Ngày 6/10/2019 là ngày đầu tiên mình mua và đọc sách cho con. Hôm đó mình đi hội sách mùa thu và mang về 3 cuốn của Nhã Nam (mỗi cuốn hình như 10k - 15k). Hồi ấy mình bầu Cá được 5 tháng. Vậy là đã 3 năm trôi qua với những dấu mốc đặc biệt:
- Chỉ vài tuần sau khi ra đời, lần đầu mắt con biết di chuyển theo tranh khi mình giơ cho con trong sự ngạc nhiên của ông ngoại (“ồ nó nhìn theo thật này” ông vẫn không nghĩ bé thế biết gì mà nhìn theo tranh). - Chỉ vài tháng đầu tiên, con dần chăm chú nghe hết câu chuyện và phản hồi với mẹ. - Khi con ngồi vững cũng là lúc con biết cầm sách, lật mở sách. - Con biết nói khi chạm mốc 1 tuổi.
- Đâu đó sau sinh nhật một tuổi, con biết cầm quyển sách và bảo “Mẹ đọc cho con”. - Càng đọc, con càng nhớ và nhắc lại ý trong câu chuyện. - Dần dần con con có thể nằm nghe mẹ kể đến 7 - 8 câu chuyện mà không chán.
Mình không nhớ rõ ngày tháng của những “cột mốc” ấy, nhưng trong mình vẫn còn y nguyên cảm giác sung sướng phấn khởi khi thấy con chơi với sách và vui với sách. Mình cũng nhận ra vài điều mà thói quen đọc sách cho con nghe đã mang lại cho gia đình mình cũng như cho Cá.
1. Đọc sách càng sớm con càng dễ quen với sách
Chỉ cần mọi người gõ cụm từ “reading for baby in the worm” (đọc cho con từ trong bụng mẹ) là sẽ tìm được rất nhiều nghiên cứu về việc nếu bố mẹ trò chuyện, đọc sách, hát cho con nghe lúc con ở trong bụng mẹ, thì sẽ có lợi cho sự phát triển của trẻ như thế nào.
Nhớ lại ngày ấy, suốt từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 9 thai kỳ, Cá chỉ nghe 3 cuốn thôi. Sách chẳng có gì cao siêu, nội dung xoay quanh mấy bạn thú nhỏ mà mình cứ kể đi kể lại. Giai đoạn này theo mình không quan trọng là mua sách gì đọc cho con, mà quan trọng tâm lý người mẹ thoải mái, và duy trì được việc đọc để con được lắng nghe giọng nói vui vẻ của bố mẹ. Thậm chí mẹ cứ đọc sách của mẹ, nội dung nào cũng được, miễn là con nghe thấy giọng nói của mẹ.
Hoạt động đọc sách khi con ở trong bụng mẹ là 1 phần nhỏ trong thai giáo. Thai giáo cũng chẳng phải điều gì ghê gớm đâu. Hiểu đơn giản là những hoạt động để bố mẹ gắn kết tương tác với em bé trong bụng. Dù bạn có tin hay không, em bé ở trong bụng cũng đã có nhận thức, có cảm nhận bởi con đã có các liên kết nơ-ron thần kinh. Bố mẹ càng nói chuyện nhiều với con, đọc cho con nghe, tạo ra những tương tác thể hiện tình cảm với con, thì các liên kết trong não bộ của trẻ càng phát triển.
Cá nhà mình vì được đọc sách từ trong bụng mẹ và sau đó được mẹ tiếp tục duy trì đọc cho gần như hàng ngày, nên những tháng đầu đời, con đón nhận việc đọc như một hoạt động thường ngày. Ngủ dậy - ăn - vận động - trò chuyện - đọc sách - rồi lại ngủ.
Đến khi biết tự ngồi, tự chơi, sách cũng là người bạn để con gặm nhấm, cắn xé như một cách khám phá. Rồi lớn hơn chút nữa, ngày nào không đọc trước giờ đi ngủ thì ngày đó ... (à thật ra thì chưa có ngày đó, trừ khi con ốm và ngủ mê mệt).
Ảnh: Hồng Thủy
2. Đọc sách giúp con có khả năng tập trung lâu hơn mình nghĩ
Mình chỉ dám nói là Cá hiện tại khá thích sách, còn con có thích tự đọc hay không, thì còn cần chờ con lớn lên mới biết. Ít nhất giai đoạn này, con hào hứng mang sách tới muốn bố mẹ đọc cho con nghe, mà đọc 7 - 8 cuốn liền - tương đương 20-30 phút chứ không phải 3 - 5 phút đã chán. Với một em bé 2 - 3 tuổi với mình vậy là đã quá tuyệt.
Mình cũng đã bắt gặp những khoảnh khắc lặng im chăm chú của con bên những cuốn sách dù không có ai đọc cho. Tất nhiên con chỉ ngắm tranh thôi, vì con nào biết đọc. Nhưng nó đủ làm mình thấy bình yên nhẹ nhàng quá đỗi. Thi thoảng, đang nấu nướng hay dọn dẹp, bỗng không thấy tiếng nàng, mình phải đi tìm ngay vì thường chỉ có 2 trường hợp. Một là đang nhặt được cái bút hí hoáy bôi ra đâu đấy, hai là tìm thấy cái gì có vẻ ăn được cho vào mồm. Thế nhưng cũng có khi nàng lặng im là vì đang tập trung lật mở 1 cuốn truyện nào đó.
Đọc sách giúp trẻ tập trung tốt hơn - điều này hoàn toàn có cơ sở khoa học. Mà tập trung là một khả năng mà bất cứ ai cũng cần cho học tập và làm việc cả đời - và lại càng quý trong thời đại công nghệ. Mình có đọc đâu đó, khả năng tập trung và làm việc sâu của con người ngày nay đã giảm đáng kể so với các thế hệ trước, đơn giản thôi, vì chúng ta bị ảnh hưởng, bị xao nhãng bởi các thiết bị như ti vi, smartphone quá nhiều.
Vậy làm sao để em bé biết tự cầm sách đọc? Theo mình thì bên cạnh việc được bố mẹ đọc cho, mình nên rải sách khắp nơi trong nhà. Đặc biệt chỗ con hay chơi. Nhưng không nên để lẫn lộn sách và đồ chơi, nên sắm riêng 1 cái hộp hay giỏ để đựng sách, và để những chỗ thấp để con tự lấy. Rồi con sẽ có lúc tò mò mà mở ra thôi.
3. Nghe đọc sách nhiều giúp con diễn đạt tốt và có vốn từ phong phú
Một tuổi, Cá bắt đầu nói những từ đầu tiên bằng tiếng Việt. Và đến 18 tháng, mình nhớ là con đã có thể hoàn thành câu trong một bài thơ tiếng Việt mà mẹ đọc cho. Khả năng ghi nhớ từ vựng chi tiết trong câu chuyện của con rất tốt. Và con còn nhanh áp dụng những từ ấy vào trong giao tiếp hàng ngày.
Có lần mình đọc cho con câu chuyện song ngữ "Mẹ có phải mẹ của con không?" (Are you my mother?"). Mình dùng tiếng Anh để cho con. Trong đó có câu "mommy where are you?". Rồi một buổi sáng mình dậy trước con và sang phòng làm việc, con tỉnh dậy không thấy mẹ thì đi tìm và gọi "momy where are you?" làm mình xúc động và ngạc nhiên lắm.
Đến lúc Cá được 33 tháng, con lại làm mình bất ngờ vì có thể nhắc lại cả câu thoại dài của nhân vật người mẹ trong truyện Cô bé quàng khăn đỏ ("Truyện cổ tích tử tế"). "Đi đến nhà bà có 2 con đường, một đường vòng qua làng, tuy xa hơn nhưng an toàn. Một đường tắt qua rừng tuy dài hơn nhưng có thể gặp chó sói".
Các cô ở lớp cũng viết nhận xét trong cuốn số theo dõi của Cá là: con khả năng nói tốt, biết diễn đạt mong muốn của mình cho người khác hiểu. Đến giờ, khi còn 1 tháng nữa là con trong 3 tuổi, điều mình cảm thấy an tâm nhất ở con cũng là khả năng hiểu và giao tiếp.
4. Đọc sách gắn kết cả nhà lại bên nhau
Mỗi buổi tối, sau khi đã xong xuôi mọi việc, chỉ cần nói với Cá “lên giường đọc sách đi con đi?" hay "It’s time to read books”, "Story time" là em bé lại reo lên như sắp được cùng mẹ chơi trò gì thú vị lắm. Mình cảm nhận rõ niềm vui của con khi đọc sách với mẹ. Vì Cá đã đi học cả ngày nên con chỉ còn khung giờ buổi tối để đọc với mẹ thôi.
Ảnh: Hồng Thủy
Không biết có phải vì Cá coi việc đọc là chơi thế nên nàng càng đọc càng ham, không chịu ngủ. Mặc dù mình cũng lựa lựa tránh những sách có nội dung kích thích nàng chạy nhảy hào hứng nhưng đọc đến cuốn thứ 5 nàng không có dấu hiệu buồn ngủ, còn mình thì rũ mắt ra rồi. Nhiều hôm còn phải bảo bố Cá cứu nguy, 2 bố con đọc tiếp, mẹ xin phép đi ngủ trước. Hôm nào cũng trao đổi trước, ra điều kiện 5 quyển rồi ngủ nhé. Nhưng số 5 của nàng có vẻ khá “co giãn”.
Mình chỉ mong sao bài viết sẽ truyền thêm động lực đến các gia đình bạn bè người thân của mình, nếu như ai ít khi mua sách cho con, hãy mua thường xuyên hơn, đan xen so với mua đồ chơi. Hoặc đã mua nhưng ít đọc thì hãy thử lại, dùng cách tiếp cân khác. Quan trọng là kiên trì.
Lúc nào cũng là ngày đẹp trời để đọc cùng con.
Đừng chờ đến khi con lớn hay khi mình có thời gian. Bạn có 5 phút cho con mà, phải không?
--------------
Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.
Chân thành cảm ơn bạn!