Gần đây mình để ý có nhiều mẹ có con dưới 2 tuổi mới tham gia vào cộng đồng DTSN, nên mình viết bài này để chia sẻ với các mẹ. Cảm ơn các mẹ đã mạnh dạn đặt câu hỏi là Trẻ dưới 2 tuổi thì ba mẹ nên làm gì để con biết tiếng Anh ở giai đoạn này?
Điều đầu tiên trước khi đi vào chi tiết cách cha mẹ nên làm, mình muốn nhấn mạnh: đối với trẻ dưới 2 tuổi, nhiều quốc gia phát triển đều khuyến nghị không cho trẻ tiếp xúc sử dụng màn hình (bao gồm cả tivi, máy tính, máy tính bảng hay điện thoại). Vì thế, việc cho con xem tivi các kênh Youtube tiếng Anh, hay cho con dùng app để trẻ học tiếng Anh ở giai đoạn 0-2 tuổi sẽ không được khuyến khích ở cộng đồng của chúng ta.
Để phát triển bất cứ một ngôn ngữ nào, bất kể tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ thứ hai, mình luôn nhấn mạnh việc tương tác trực tiếp face - to - face giữa cha mẹ và con mới là yếu tố quan trọng nhất.
Đây không phải là mình nói trên quan điểm cá nhân, mà nhiều cuốn sách, nghiên cứu của các chuyên gia, tổ chức quốc tế đều viết và khuyến cáo như vậy. Không gì tốt cho sự phát triển của trẻ nói chung, hay sự phát triển ngôn ngữ nói riêng bằng việc có cha mẹ yêu thương, trò chuyện, kết nối hàng ngày.
Vậy nên khi có mẹ hỏi, với bé từ 0-2 tuổi thì cha mẹ nên bắt đầu như thế nào để trẻ nói được tiếng Anh, thì mình xin có một số đúc rút như sau:
1. Hãy bắt đầu với chính cha mẹ
Để bắt đầu hành trình giúp con nói 2 ngôn ngữ Việt - Anh, cha mẹ cần có tư duy đúng về việc học ngôn ngữ. Hãy để con tiếp cận tiếng Anh là một ngôn ngữ, một công cụ để giao tiếp, chứ không phải như một môn học. Đừng muốn con học tiếng Anh như học toán, học văn… học chỉ để lấy điểm cao. Và khi đã coi tiếng Anh là ngôn ngữ để giao tiếp thì mình cần phải thực sự sử dụng nó trong đời sống hàng ngày.
2 năm đầu đời, môi trường để trẻ học nói và giao tiếp chủ yếu từ cha mẹ, trừ khi bạn gửi con đi lớp sớm thì con sẽ tiếp xúc thêm ngôn ngữ nghe được từ cô giáo, người chăm sóc trẻ. Vậy thì khi lúc này trẻ chưa thể xem tivi, chưa thể dùng ứng dụng (app), cũng chưa đi học thêm ở trung tâm thì trẻ học tiếng Anh qua đâu? Câu trả lời chính là từ cha mẹ, hoặc từ thầy cô nói tiếng Anh ở trường mầm non nơi bé học.
Tuy nhiên xét theo bối cảnh ở Việt Nam, việc cha mẹ gửi con đến trường trước 2 tuổi mà lại là ngôi trường có giáo viên nước ngoài trực tiếp chăm sóc con sẽ không có nhiều, và chi phí rất rất cao. Vậy nên, cha mẹ biết tiếng Anh và trò chuyện bằng tiếng Anh với con hàng ngày là cách đơn giản và tốt nhất để trẻ tiếp thu tiếng Anh ở giai đoạn này. Cả 3 cuốn sách “Giỏi tiếng Anh không tốn mấy đồng”, “Đồng hành cùng con học tiếng Anh” và “Dạy con song ngữ” đều cùng chung quan điểm này.
Dưới đây là ảnh chụp nêu lại quan điểm đó từ cuốn: “Đồng hành cùng con học tiếng Anh”
Nếu ba mẹ nói tốt tiếng Anh thì chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh với con hàng ngày song song với tiếng Việt là gần như đủ để trẻ biết nói song ngữ. Không cần bất cứ một loại giáo trình, phần mềm, ứng dụng ngôn ngữ nào trong những năm tháng đầu đời cả.
Đọc đến đây nhiều cha mẹ sẽ khựng lại: Nhưng tiếng Anh của cha mẹ không tốt, thì phải làm sao?
Mình nghĩ rằng lúc này chúng ta cần thay đổi câu hỏi. Thay vì hỏi: “Cha mẹ không tốt tiếng Anh thì dạy con tiếng Anh kiểu gì khi con dưới 2 tuổi, đặc biệt đây lại là giai đoạn không dùng tivi, youtube, phần mềm hỗ trợ?” Hãy chuyển câu đó thành: “Tiếng Anh của cha mẹ cần tốt ở mức nào thì có thể giúp con học tiếng Anh?” hoặc “Nếu không trực tiếp dạy con tiếng Anh thì có thể làm gì từ giai đoạn 0 - 2 tuổi, để khi trẻ lớn lên có thể tiếp thu nhanh?”.
Dưới đây là ảnh chụp từ cuốn: “Giỏi tiếng Anh không tốn mấy đồng” về những điều mà cha mẹ cần chuẩn bị để dạy trẻ tiếng Anh ở nhà thành công:
Đó cũng là lý do mình tạo ra chiến dịch “CREATE YOUR RAINBOW WITH 8 WEEKS OF SHADOW” cho các mẹ luyện phát âm và luyện nói. Bởi vì mình tin rằng, thay vì đi tìm xem phần mềm nào xịn nhất, thầy cô nào dạy hay, hiệu quả, cha mẹ có thể tự làm “phần mềm tương tác” của con, một “ứng dụng phát triển ngôn ngữ chạy bằng cơm” mà chỉ mình con mới có.
Một “ứng dụng” có thể cười, có thể khóc cùng con, có thể ôm con và cho con biết đó là ‘hug’, có thể thơm con và cho con biết đó là ‘kiss’. Chỉ cho con “water” là “nước” bằng cách cho con chạm tay vào nước, chỉ cho con ‘clap” là “vỗ tay” bằng cách cầm đôi tay của con vỗ vào nhau (rồi nói “clap your hands”), thay vì con nhìn thấy hình ảnh, âm thanh qua 1 chiếc màn hình.
Tóm lại, nguồn đầu tiên để em bé 0 - 2 tuổi có thể tiếp xúc tiếng Anh chính là qua cha mẹ.
Vậy nên, cha mẹ có con trong giai đoạn này thay vì vội tìm “phương pháp cho con” hãy củng cố cách phát âm, vốn từ vựng, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh của mình.
Mình xin chụp lại một đoạn trong cuốn: “Dạy con song ngữ thực hành” của tác giả Trần Lan Hương
2. Bắt đầu bằng những gì gần gũi nhất với trẻ
Sau khi cha mẹ đã có thời gian củng cố tiếng Anh của mình rồi, giờ sẽ đi vào chi tiết những hoạt động giàu ngôn ngữ mà cha mẹ có thể tạo ra khi tương tác với con, để con được tiếp xúc tiếng Anh một cách tự nhiên, chứ không phải “cha mẹ cố dạy con học tiếng Anh” ở giai đoạn này.
Đọc Sách Cho Trẻ: Đọc sách picture book, sách vải, sách chỉ có 1 từ và 1 câu đơn miêu tả 1 bức tranh. Loại sách dành cho trẻ 0 - 3 tuổi thường chỉ yêu cầu khả năng tiếng Anh của bố mẹ từ A2 đến B1 là có thể đọc cho con được. Còn nếu bạn thấy mình chưa đọc tốt các từ vựng hoặc mẫu câu về: con vật, hoạt động cơ bản (ăn, ngủ, nhìn, nói, hát, vỗ tay, …), quần áo cơ bản, đồ ăn, đồ chơi của con … thì đây sẽ là cơ hội tốt để học trước con.
Về các kỹ thuật đọc sách tiếng Anh cho con sao cho hiệu quả, mời ba mẹ đọc thêm tại bài viết: Mẹo giúp đọc sách tiếng Anh cho con hiệu quả
Kể, tả cho con Các Hoạt Động Hàng Ngày: Khi bạn làm các công việc hàng ngày, hãy mô tả những gì bạn đang làm bằng những câu đơn giản bằng tiếng Anh cho con nghe. Ví dụ, khi thay tã, bạn có thể nói "I am changing your diaper now" (Bây giờ mẹ đang thay tã cho con nè).
Sử Dụng Các Đồ vật Thực Tế: Cho con thấy, thậm chí sờ vào các đồ vật thực tế (miễn điều đó an toàn) và chỉ vào đó, rồi gọi tên bằng tiếng Anh bằng kỹ thuật “point and say”. Ví dụ, trỏ vào quả bóng và nói "ball, this is a ball" hoặc trỏ vào cốc và nói "cup, this is my cup". Thay vì chỉ cho con nhìn hình của những món đồ đó qua flashcard. Cảm nhận thực tế bao giờ cũng khiến trẻ nhớ hơn.
Cho trẻ nghe Bài Hát qua loa, đài: Các bài hát tiếng Anh với giai điệu vui tươi, lặp lại, đơn giản dễ làm trẻ nhớ. Trẻ không nên xem video của bài hát nhưng vẫn nên nghe hàng ngày, nếu âm nhạc là thứ làm trẻ hứng thú. Để trẻ nghe hàng ngày, cha mẹ có dùng loa bluetooth kết nối điện thoại, hoặc mua chiếc đài nhỏ có cắm thẻ nhớ và copy các bài hát vào thẻ nhớ.Tháng này bạn muốn con nghe bài về chủ đề động vật, thì bạn chỉ copy các bài hát về chủ đề động vật và mở cho con nghe thôi. Tháng sau, bạn hãy copy thêm bài về chủ đề khác vào thẻ nhớ. Khi con nghe, ba mẹ hãy tận dụng để hát cùng, làm động tác với con để con liên kết ý nghĩa giữa những gì được nghe và ngôn ngữ. Điều này được mình chia sẻ chi tiết qua ebook "Xây dựng môi trường song ngữ Anh - Việt cho trẻ".
Chơi trò bắt chước tiếng, giả tiếng: Khuyến khích trẻ bắt chước những âm thanh và tiếng đơn giản, chẳng hạn như tiếng kêu của động vật hoặc tiếng động cơ của xe. Đây là một trò khá thú vị cho trẻ từ 1 - 2 tuổi.
Khám Phá Thiên Nhiên: Dành thời gian ngoài trời khám phá thiên nhiên và cho con hiểu thêm về những gì nhìn thấy bằng tiếng Anh: the sun, cloud, tree, grass, butterfly, wind, rain, rock, sand …
Sử Dụng Các Hoạt Động Đa Giác Quan: Tham gia cùng con vào những hoạt động thực tế kết hợp nhiều giác quan, chẳng hạn như vẽ tranh bằng ngón tay và học về finger family, chơi với các cuốn sách có nhiều chất liệu để bé cơ hội chạm vào lông con vật, hay nghe tiếng sột soạt của vải, ni lông …
Ba mẹ cố gắng nhớ rằng ở độ tuổi nhỏ như vậy, trọng tâm của việc giới thiệu tiếng Anh là phải qua sự tương tác có ý nghĩa và trải nghiệm thực tế. Và đừng kỳ vọng phi thực tế rằng bạn giới thiệu tiếng Anh với con từ 0 tuổi, thì 1 tuổi con sẽ nói được cả tiếng Việt và tiếng Anh cùng một lúc. Thậm chí là 2 tuổi, bé cũng có thể chỉ nói một trong 2 ngôn ngữ thôi, dựa vào việc bé được tiếp xúc ngôn ngữ nào nhiều hơn.
2 năm đầu đời là để xây dựng nền tảng cho 2 ngôn ngữ song song, không phải là cố mọi cách để bé nói được tiếng Anh. Bé được nghe nhiều, tiếp xúc nhiều hàng ngày với sự thoải mái, vui vẻ thì sau 2 năm mới là thời điểm bé bật ra thành phản xạ tự nhiên. Vậy nên, đừng sốt ruột ba mẹ nhé. Mỗi em bé lại có 1 tốc độ và sự nhạy cảm khác nhau, vậy nên việc của cha mẹ là tạo cho con điều kiện, môi trường có tiếng Anh, còn việc con tiếp thu đến đâu và như thế nào, hãy để con quyết định. Bạn có thể tìm hiểu thêm về điều này qua cuốn sách “Nuôi dạy em bé có chính kiến” của tác giả Alicia Vũ.
Có thể bạn quan tâm: