Nhiều người cho rằng việc đọc sách cho trẻ sơ sinh là một việc khá buồn cười và không có tác dụng, nhưng lợi ích của việc đọc cho con từ sớm đã được khoa học chứng minh. Như bé nhà mình khi chỉ mới hơn 1 tuổi đã có thể cầm cuốn sách con thích và nói: "Mẹ đọc cho con", chính là vì mình đã tạo thói quen đọc từ khi con rất nhỏ.
Trong bài viết này mình sẽ nói về 2 khía cạnh xoay quanh việc đọc cho trẻ từ 0 - 3 tuổi: lợi ích của hoạt động đọc sách và cách tương tác khi đọc cùng con để tăng sự thích thú.
Những lợi ích tuyệt vời khi bạn đọc sách cho con từ nhỏ
Đọc sách có rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cụ thể là:
Giúp phát triển kỹ năng nói và sử dụng ngôn ngữ
Theo trang Raisingchildren.net.au - chuyên trang về chăm sóc và nuôi dạy con tại Úc, việc trò chuyện, hát, đọc cho con từ sớm sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Sẽ không đúng khi cho rằng con chưa biết nói, nghe chưa hiểu thì việc đọc sách cho con không có tác dụng. Bạn càng nói, đọc nhiều cho con, con sẽ càng nghe được nhiều từ làm nền tảng vững chắc cho việc học nói sau đó. Đến năm lên một tuổi là thời điểm trẻ đã nghe, tiếp xúc đủ thời lượng và số lượng từ cần thiết để bắt đầu tự nói ra những từ đầu tiên là vì vậy.
Một nghiên cứu ở Mỹ đã cho thấy, ở các trẻ được bố mẹ trò chuyện, đọc sách từ khi lọt lòng, đến năm 2 tuổi có thể nói với lượng từ vựng phong phú hơn nhiều so với trẻ cùng tuổi mà không được tương tác với bố mẹ và tiếp xúc với sách từ trước đó.
Kích thích trí tưởng tượng, rèn luyện trí nhớ và độ tập trung
Thứ hai, bố mẹ thường xuyên đọc sách và kể chuyện sẽ kích thích trí tưởng tượng, sự tò mò, mê khám phá ở trẻ. Chẳng có điều gì dễ thương bằng việc nhìn một em bé chăm chú, lặng im bên cuốn sách yêu thích. Cho dù em chưa biết chữ nhưng cách em chìm đắm vào thế giới hình ảnh trong câu chuyện chính là đang hình thành khả năng tập trung trong học tập của em sau này. Đây cũng là cách dễ dàng nhất để dạy con về thế giới xung quanh qua những hình ảnh, nội dung gần gũi sinh động trong sách.
Là cách tuyệt vời để cha mẹ gắn kết với con
Đọc truyện cùng con sẽ thúc đẩy sự gắn kết và giúp xây dựng mối quan hệ của bạn với con. Nhiều ông bố hay “đùn đẩy” việc chơi cùng con cho mẹ vì không biết phải làm gì khi con còn bé thế. Vậy thì đọc sách cho con nghe chính là một hoạt động đơn giản có tính gắn kết cao mà các ông bố hoàn toàn có thể làm được. Em bé của bạn sẽ thích được ôm trong vòng tay của bạn, ngồi trên đùi ba mẹ, lắng nghe giọng nói, những vần điệu và nhịp điệu, và nhìn vào hình ảnh trong sách.
Tạo nền tảng cho thói quen đọc sách ở con về lâu dài
Nếu trẻ sơ sinh và trẻ em được đọc thường xuyên với niềm vui, sự phấn khích, trẻ sẽ bắt đầu liên hệ việc đọc với cảm giác thích thú, hạnh phúc. Từ đó, những độc giả nhí sẽ được hình thành một cách tự nhiên.
Một khảo sát trên trang zerotothree (Mỹ) cho thấy, những bố mẹ bắt đầu đọc cho con từ khi 4 tháng tuổi, sẽ có nhiều khả năng duy trì được thói quen đọc ở con khi con lớn lên, so với các gia đình bắt đầu muộn hơn. Vì thế, với những bố mẹ có mong muốn con lớn lên sẽ yêu thích việc đọc sách, bí quyết đơn giản nhất chính là: cho con làm quen với sách “càng sớm càng tốt”.
2. Gợi ý cách đọc để kích thích trẻ tương tác với sách
Nhiều bố mẹ than phiền là mua sách về nhưng con không hứng thú, nói con ngồi nghe mẹ đọc thì được vài phút con lại muốn chơi trò khác. Điều này có phải do tính cách của con không hợp với việc đọc sách? Hay bố mẹ cần phải có kỹ năng đọc thì con mới thích nghe?
Đầu tiên, tin vui cho tất cả các bố mẹ: việc đọc sách cùng con không cần bất kì một kỹ năng hay kỹ thuật đặc biệt nào. Tất cả chỉ cần: chính bố/mẹ, em bé, và một cuốn sách. Bố mẹ đừng đặt nặng vấn đề mỗi lần đọc là cần hoàn thành trọn vẹn một cuốn, hoặc con phải chăm chú nghe ít nhất 10-15 phút. Con ở độ tuổi này chịu ngồi nghe một vài trang sách cũng là đáng quý rồi.
Chỉ cần vài phút đọc mỗi ngày, nhưng đều đặn, thường xuyên, trở thành giây phút vui vẻ cho cả bố mẹ và con, đó mới là điều quan trọng.
Nếu con tỏ ra đặc biệt thích một vài hình ảnh hay cuốn nào đó, hãy cứ cho con xem, nghe thật nhiều. Sự lặp lại với trẻ trong độ tuổi này không hề khiến con thấy nhàm chán mà còn tốt cho việc ghi nhớ, học hỏi của trẻ.
Dưới đây là 6 lưu ý đơn giản mà cha mẹ có thể áp dụng để tăng sự thích thú cho con khi đọc:
Tư thế đọc: Hãy ôm con vào lòng, cho con ngồi trên đùi khi đọc. Điều này giúp con cảm thấy an toàn, ấm áp và kết nối với bố mẹ.
Giọng kể của bố mẹ: Bố mẹ đọc với giọng nói biểu cảm, lên xuống trầm bổng sẽ khơi gợi sự thích thú của con hơn là đọc đều đều từ đầu đến hết. Bố mẹ chưa quen có thể bắt đầu với việc sử dụng các giọng khác nhau cho các nhân vật khác nhau.
Đặt câu hỏi tương tác với con khi đọc. Đừng chỉ đọc theo chữ trong sách. Thỉnh thoảng ba mẹ nên dừng lại và đặt câu hỏi hoặc nhận xét về hình ảnh hoặc nội dung. Ví như "Con mèo đâu con? Nó đây rồi! Chú mèo dễ thương con nhỉ." Con có thể chưa trả lời được, nhưng điều này tạo cơ sở cho việc giao tiếp của con sau này.
Tạo ra các âm thanh, động tác vui nhộn. Bố mẹ hãy cố gắng tạo ra những âm thanh theo nội dung sách, ví dụ: tiếng của con vật, âm thanh của xe cộ, chuyển động của thiên nhiên… bất cứ điều gì làm cho việc đọc thêm thú vị.
Khuyến khích con tham gia vào việc đọc. Khi con lớn trên một tuổi, hay khi con biết cầm sách, hãy khuyến khích con tham gia bằng cách giao cho con “trọng trách” mở trang tiếp theo, chỉ vào các hình ảnh đang được nhắc đến… hoặc cho con quyết định hôm nay sẽ đọc sách gì.
Nhẫn nại và kiên trì: việc đọc cũng như bất cứ một hoạt động nào, muốn trẻ biến thành thói quen, bố mẹ cần kiên nhẫn, lặp lại thật nhiều với con.
3. Bố mẹ nên làm gì khi trẻ không hợp tác nghe đọc?
Một băn khoăn khác về việc đọc giai đoạn này là khi trẻ không hợp tác, hay tỏ ra không thích thú khi nghe đọc sách, thì bố mẹ nên làm gì? Chuyện này thường chia thành 2 trường hợp.
Trường hợp một: con ngọ nguậy, không tập trung, muốn làm việc khác khi bố mẹ đang đọc.
Lý do là con chưa thể ngồi lâu, khả năng tập trung chú ý vào một việc ở độ tuổi này còn ít. Vì vậy việc chọn không gian đọc và thời điểm đọc rất quan trọng. Không nên đọc khi xung quanh có người đi lại, nhiều tiếng động, hay có nhiều đồ chơi con thích bên cạnh. Hoặc thời điểm bé đang đói, khó chịu, buồn ngủ là những thời điểm không thích hợp cho việc đọc. Ngoài ra, nên chọn những cuốn sách có hình thức trình bày hấp dẫn, có tính tương tác để trẻ tò mò, muốn sờ chạm lật mở. Thay vì chỉ ngồi yên mà không có hoạt động nào cho bé tham gia cùng sách.
Trường hợp hai: ngay từ đầu con từ chối việc đọc sách cùng bố mẹ.
Điều này sẽ xảy ra nhiều hơn với các bạn trên 1 tuổi, bởi con đã có nhận thức những thứ gì hấp dẫn con hơn. Vậy nên quay trở lại với ý ban đầu, việc con càng tiếp xúc sớm với sách trước một tuổi là rất cần thiết. Để cải thiện điều này, mẹ nên cố gắng thiết kế môi trường trong nhà thật dễ dàng cho con nhìn thấy sách, cầm lấy sách, và được thường xuyên thấy bố mẹ, anh chị đang đọc. Khi có điều kiện thời gian, hãy đưa con ra hiệu sách mỗi tuần hoặc cách tuần. Một em bé khó tính đến đâu cũng sẽ bị thu hút, mê mẩn trước một cuốn sách nào đó giữa một giá sách đa dạng bạt ngàn truyện hay như vậy.
Điều cuối cùng mình muốn chia sẻ là:
Hãy coi sách là một phần thưởng, một món quà cần trân trọng chứ không phải nhiệm vụ để trao đổi “Con đọc sách xong rồi mẹ cho đi chơi, hay nghe hết cuốn này rồi mẹ cho xem tivi”.
Hãy nhớ rằng mỗi khoảnh khắc bạn ngồi đọc bên con đều tạo cơ hội để xây dựng mối liên kết sâu sắc hơn với con cũng như xây dựng các kỹ năng ngôn ngữ và học tập của con sau này!
Nguồn tham khảo:
--------------
Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.
Chân thành cảm ơn bạn!