Nhân chủ đề tháng 8 trong group DTSN là về “animals”, mình xin được giới thiệu những cuốn sách tiếng Anh về các loài động vật mà con mình đã và đang đọc rất say mê. Đa phần những cuốn sách mình giới thiệu sau đây là dạng “lift the flap” lật mở tương tác. Lý do mình muốn chia sẻ các bộ sách này là bởi mình đã mua dạng sách này cho con từ lúc nhỏ, và mãi cho đến bây giờ sắp vào lớp một, bạn lớn nhà mình vẫn còn mê mẩn, nên mình nghĩ dạng sách lật mở tương tác này luốn mang đến sự tò mò, thích thú cho các bạn nhỏ.
Có thể bạn đã biết mình là bà mẹ nghiện sách, nghiện mua sách cho con. Bởi mình tin rằng việc đọc sách không chỉ giúp con phát triển về ngôn ngữ, trí thông minh cảm xúc (EQ) mà giúp con khám phá thế giới, nuôi dưỡng cho con thói quen tốt và quan trọng hơn cả là ba mẹ có thể dành thời gian chất lượng cho con qua việc đọc cho con. Mời các mẹ cùng theo dõi các cuốn sau đây, nếu mẹ cũng có cuốn nào về chủ đề này thì chia sẻ cho mình và các mẹ khác trong cộng đồng nhé!
1. Lift-The-Flap - Lật Mở Khám Phá: First 100 Animals - 100 Từ Đầu Tiên Về Các Loài Động Vật của nhà xuất bản Đinh Tị
Mình chọn cuốn này đầu tiên bởi đây là cuốn sách trong nước, song ngữ nên cũng dễ dàng tìm thấy ở các hiệu sách. Mình ấn tượng bởi cuốn sách này bởi không chỉ giúp các con nhận diện các con vật mà còn có những kiến thức mới lạ đối với mình. Cuốn sách với hơn 30 miếng lật màu sắc sẽ đưa bé đến với thế giới các loài động vật, từ cửa hàng bán vật nuôi, trang trại vui vẻ tới khám phá những "ông bố", "bà mẹ" vĩ đại trong giới động vật, những kỉ lục được ghi nhận và những loài vật biểu tượng của các quốc gia...
2. Những cuốn sách về động vật của tác giả Rod Campbell và Eric Carle
Đây là hai tác giả quá nổi tiếng với dòng sách ngoại văn thiếu nhi nên các bạn cũng dễ tìm thấy ở các page sách ngoại văn mới hoặc cũ. Có hai cuốn sách kinh điển rất đáng đọc cho con là:
Dear Zoo của Rod Campbell, cuốn này có cả phiên bản tiếng Việt với tên là “Thân gởi sở thú”
Đặc điểm là thông qua sách con có thể biết tên và nhận diện được các con vật trong sở thú, từ con Elephant so big đến Giraffe too tall, hay Lion too fierce, đến Sake so scary, Monkey too naughty, Frog too jumpy đến chú Puppy. Một điểm đặc biệt là sự lặp lại cấu trúc câu từ tình huống này sang tình huống khác giúp con dễ dàng nhớ được câu.
Ngoài ra vì là cuốn sách kinh điển nên ngoài đọc sách các mom có thể dễ dàng tìm link đọc sách bằng video trên Youtube như link bên dưới:
The very hungry caterpillar by Eric Carle: Chú sâu háu ăn
Cuốn này có rất nhiều dạng sách từ board book, dạng picture bìa mềm, khổ to, khổ nhỏ hay cả song ngữ, cuốn mình đang có là dạng song ngữ bìa mềm.
Thông qua sách con không những học được vòng đời của chú bướm mà còn giúp trẻ học đếm, phân biệt các ngày trong tuần, tìm hiểu về thức ăn nào là trái cây, bánh socola, kem dâu tây, phomat.. Vì là sách nổi tiếng nên các mom cũng dễ dàng tìm được ở các nhà sách và các link đọc trên Youtube. Mình để link bên dưới:
3. Những cuốn sách về animal của Usborne
Mình có khá nhiều sách của nhà xuất bản Usborne và rất thích bởi sách đa dạng mọi chủ đề và vì là dòng sách ngoại văn nên thiết kế màu sắc và chất lượng rất bền và đẹp vì vậy nên mặc dù mua sách used mình vẫn thích thú. Nói về động vật mình muốn giới thiệu cuốn lật mở Peep inside the Zoo và sách sờ chạm Animal hide and seek.
Peep inside the Zoo cuốn này mình mua lúc con còn nhỏ nhờ thiết kế lật mở nên con tự khám phá, tự đọc tên các các vật trong sách, đến giờ khi con nhận diện mặt chữ thì đã có thể đọc được gần 2/3 số lượng chữ trong sách rồi ạ. Trong cuốn này các con sẽ học được các loài vật trong sở thú rất quen thuộc.
Animal hide and seek
Cuốn sờ chạm này phù hợp cho các bạn nhỏ 0-3 tuổi vì mỗi trang được thiết kế cho bé có thể sờ vào để cảm nhận lông của vật, hay máng ăn của các động vật trong nông trại, nó cũng là dạng sách bìa cứng bền, phù hợp cho các bạn nhỏ.
4. Series sách Peppa lật mở
Ngoài việc đọc sách cùng còn thì việc con xem phim hoạt hình trong thời gian cho phép giúp con phát triển kỹ năng nghe tốt. Có rất nhiều phim hoạt hình cho trẻ, hoạt các kênh youtube hữu ích, trong đó bạn nhỏ nhà mình lại thích Peppa nên vừa xem phim, vừa có sách về peppa giúp con dễ dàng nhận biết được câu chuyện mình đã xem vào trang sách, con cũng có thể kể lại câu chuyện mình xem thông qua sách nữa. Trong series Peppa cũng rất đa dạng về chủ đề, hiện tại mình có cuốn at the zoo và aquarium phù hợp với chủ đề tháng 8.
Vì bạn nhỏ rất thích động vật nên mình có rất nhiều sách về động vật như sách kéo đẩy Old Macdonald – cuốn này ở các page sách ngoại văn mình thấy cũng dễ mua. Hoặc cuốn Gues where i live và Guess what I am: bộ này sách sẽ đưa ra một vài thông tin để con đoán được các con vật là gì, sống ở đâu, với bộ này ba mẹ có thể tương tác và chơi đùa cùng con.
Một số kinh nghiệm đọc sách cùng con
Khi đọc sách cho con mình có nên đọc tất cả các câu không? Lúc trước mình mắc sai lầm rất lớn là hay đọc tóm tắt sách cho con. Nguyên nhân bởi vì từ bé mỗi khi con thích cuốn nào con thường bắt ba mẹ đọc đi đọc lại rất nhiều lần, từ ngày này sang ngày khác, khiến mình chỉ muốn đọc tóm tắt cho nhanh. Nhưng sau này khi mình đọc trong cuốn sách “người mẹ tốt là người thầy tốt” trong sách chỉ ra không nên đọc tóm tắt cho con mà nên đọc tất cả các chữ trong sách cho con, vì có như vậy con không những hiểu được câu chuyện mà con còn học được từ, cách diễn đạt... lúc đấy mình mới hiểu ra không nên đọc tóm tắt sách cho con.
Có nhất thiết phải có sách truyện tiếng Anh thì mới giao tiếp, trò chuyện với con bằng tiếng Anh về chủ đề đó được không? Thì theo mình là không. Nếu bạn có điều kiện mua sách để đọc cho con thì rất tuyệt vời, còn nếu không, bạn cũng có thể dùng tranh ảnh cắt ra từ báo, hoặc bạn tự vẽ hình các con vật ... làm thủ công tạo hình, và sau đó vẫn có thể nói về chủ đề này với con bằng tiếng Anh. Vì trẻ còn nhỏ, học chủ yếu qua hình ảnh, nên chỉ cần có hình minh họa thì trẻ đều có khả năng học được. Nhưng hãy hạn chế trẻ dưới 2 tuổi nhìn màn hình nhé!
Mỗi gia đình đều có lịch sinh hoạt khác nhau, bản thân mình làm mẹ với hai bạn nhỏ, mong muốn ươm mầm tình yêu sách cho con từ nhỏ, việc duy trì thói quen đọc sách cho con đến hôm nay có thể nói mình đã gặt hái được quả ngọt, nhưng đó là một hành trình dài cần mẹ luôn đồng hành. Không chỉ trong việc học tiếng Anh mà trong nhiều lĩnh vực khác.
Các bạn có thể đọc thêm bài viết của mình trên báo phụ nữ về cách mình ươm mầm tình yêu đọc sách cho con từ nhỏ như link bên dưới
Tác giả: Pham Thi Chi