Rất nhiều mẹ muốn nói chuyện với con bằng tiếng Anh nhưng lại mang trong lòng sự e ngại rằng: mình nói không tốt, phát âm không hay sợ sẽ ảnh hưởng đến con. Đúng là kỹ năng nói là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng ta tự tin giao tiếp. Nhưng nói tiếng Anh hay như “tây” không phải yếu tố số 1 trong việc học một ngôn ngữ. Mà chúng ta nên ưu tiên tập trung vào khả năng sử dụng được ngôn ngữ đó, tập trung vào sự lưu loát, rõ ràng và nói có ý nghĩa.
Vì vậy, để giúp các cha mẹ đang muốn cải thiện khả năng nói và phát âm tiếng Anh của mình, Dạy trẻ song ngữ xin giới thiệu kỹ thuật “shadowing”. Đây là một kỹ thuật để luyện nói được nhiều người ưa chuộng vì tính hiệu quả và thú vị của nó. Trong bài viết dưới đây, Dạy Trẻ Song Ngữ sẽ giới thiệu tất cả mọi thứ ba mẹ cần biết về kỹ thuật này, bao gồm khái niệm, các bước thực hiện và những lưu ý quan trọng.
Shadowing là gì?
Trước hết hãy cùng tìm hiểu nghĩa của từ “shadow”. Shadow (danh từ) có nghĩa là cái bóng, động từ có thể dịch là “bắt chước”. Vì bản chất của cái bóng là luôn làm theo y hệt như người thật. Khi bạn giơ tay lên cao, cái bóng của bạn cũng giơ tay lên cao.
Kỹ thuật shadowing trong việc luyện nói được hiểu đơn giản là bạn sẽ lặp lại chính xác cách phát âm, cả ngữ điệu, cách ngắt nghỉ, lên giọng, xuống giọng, thậm chí là cả cảm xúc, cách biểu cảm từ những câu nói trong một đoạn video mà bạn nghe từ người bản ngữ.
Shadowing có thể giúp bạn cải thiện khả năng nói tiếng Anh như thế nào?
Giúp bạn phát âm tốt hơn
Khi cố gắng bắt chước một người bản ngữ nói tiếng Anh, chúng ta cũng đang luyện tập cho cơ miệng ‘quen’ với việc tạo ra các âm này. Càng nói giống video bao nhiêu, chúng ta càng hạn chế được những lỗi như: không phát âm âm cuối, không có âm /s/ đúng chỗ, hay thêm dấu sắc vào từ … mà người Việt hay mắc phải.
Cải thiện ngữ điệu
Ngữ điệu là cách ngắt nhịp, cao độ. Ngữ điệu tiếng Anh sẽ khác nhau trong một câu hoặc trong một cuộc hội thoại. Còn rhythm đề cập đến trọng âm và tốc độ khi nói.
Nói trôi chảy, tự nhiên hơn
Khi bạn bắt chước thành công, là bạn cũng thuộc lòng luôn mẫu câu đó. Từ đó, thành phản xạ tự nhiên, cách nói của bạn đã được rèn luyện theo người bản xứ để trở nên trôi chảy và tự nhiên.
Các bước thực hiện shadowing
Chuẩn bị:
Bắt đầu bằng việc tìm kiếm tài liệu nghe (video) tiếng Anh phù hợp với bạn. Phù hợp không chỉ là có độ khó phù hợp với trình độ của bạn mà còn là về chủ đề nội dung. Video mà bạn sẽ bắt chước nói nên là những chủ đề mà gần gũi và thuộc mối quan tâm của bạn.
Ví dụ: chúng ta không nên mới bắt đầu luyện nói mà lại chọn bản tin thời sự của một biên tập viên người Anh hay Mỹ, vì các từ vựng cũng như vấn đề chính trị, kinh tế trong video đó chưa chắc là những từ mà chúng ta sẽ dùng hàng ngày, hoặc sẽ nói với con.
Tiêu chí chọn video để luyện shadowing:
Độ dài lý tưởng dành cho người mới bắt đầu: 2-3 phút.
Sau khi đã thấy mình nói lưu loát rồi, bạn hãy chọn video có độ dài nhiều hơn nhưng cũng không nên quá 10 phút vì khó bắt chước và nhớ hết được.
Video/audio phải có transcript (phần chữ văn bản) để mình theo kịp thông tin được nói trong bài.
Nên chọn video do người bản xứ nói (Anh Anh hay Anh Mỹ, hay Anh - Canada …) vì nó có sự chuẩn mực. Trong quá trình luyện nên duy trì cùng 1 kiểu, nếu đã chọn video theo giọng Anh Anh thì chỉ dùng Anh - Anh. Không nên video tuần này là giọng Anh Anh, video tuần sau lại chuyển sang nghe Anh - Mỹ. Sau 2 - 3 tháng luyện cùng 1 giọng điệu thì hãy chuyển qua nghe kiểu giọng điệu khác.
Thực hành shadowing:
Bước 1: Lắng nghe video mẫu với tốc độ chuẩn
Lần đầu, bạn hãy nghe xem trọn vẹn video đó mà không dừng nghỉ, không đọc nhẩm trong miệng. Lần xem này để bạn nắm được nội dung, đánh giá được phong cách nói của người trong video, và xem có từ nào mới mà bạn chưa từng nghe hay không rõ cách đọc không.
Bước 2: Viết xuống script và đánh dấu
Hãy chép tay đoạn lời mà bạn vừa nghe vào sổ. Sau khi chép xong, mở lại video nhưng dừng lại ở từng câu để đánh dấu các phần quan trọng.
Các phần cần đánh dấu là:
Từ được nhấn trọng âm, được nói với âm lượng lớn trong câu này => gạch chân từ đó
Từ được nối âm, đọc lướt, đọc nhẹ trong câu này là gì => dùng mũi tên nối dưới chân 2 từ được nối âm đó.
Người nói đang lên cao giọng ở cuối câu hay xuống giọng ở cuối câu? => nếu cao giọng thì đánh mũi tên hướng lên ở từ cuối, nếu xuống giọng thì đánh mũi tên xuống.
Người nói ngắt dừng, nghỉ ở từ nào trong câu này? => dùng dấu gạch "/" để đánh dấu chỗ đó cần ngừng nghỉ.
Từ nào mình không biết đọc => tra từ điển xem nó cần đọc thế nào
Bước 3: Đọc theo từng câu một (có thể giảm tốc độ của video xuống)
Khi bạn đã thực hiện xong bước 2, hãy mở lại video và đọc theo từng câu một.
Nếu bạn thấy bạn đọc chưa giống, hãy mở lại để nghe câu đó và làm lại. Bạn có thể giảm tốc độ phát video trong Youtube ở phần cài đặt.
Bước 4: Ghi âm và so sánh
Khi thực hiện shadowing từng câu xong, giờ là lúc bạn nói cả đoạn. Ở bước này, hãy ghi âm cả đoạn từ đầu đến cuối mà ko có lẫn tiếng của bản gốc. Hoặc nhìn vào chính script mà bạn đã chép tay thay vì mở video gốc lên. Và sau đó hãy mở video của mình và so sánh với bản gốc của người bản ngữ. Nếu được, hãy tự nhìn nhận các điểm chưa chính xác và cố gắng cải thiện chúng dần dần.
Thành công trong shadowing đòi hỏi kiên nhẫn và luyện tập thường xuyên.
Dành ít nhất một khoảng thời gian 15 phút mỗi ngày để thực hành kỹ thuật này trong 2 đến 3 tháng liên tục thì bạn mới thấy sự khác biệt so với video đầu tiên của chính bạn.
Mình tin chắc rằng nếu ba mẹ chịu khó làm theo kỹ thuật này, ba mẹ sẽ vừa cải thiện kỹ năng nói của mình, vừa tăng cường sự tự tin để nói chuyện tiếng Anh với con. Và thậm chí còn thích được nói và đọc cho con nghe mỗi ngày, vì sau một quá trình luyện tập, chúng ta đã có thêm vốn để nói mà không sợ bí.
Sắp tới, cộng đồng Dạy trẻ song ngữ sẽ phát động chiến dịch luyện nói theo kỹ thuật Shadowing dành riêng cho cha mẹ với sự hướng dẫn, nhận xét chữa lỗi từng bài hoàn toàn miễn phí cho ba mẹ. Rất mong ba mẹ sẽ tham gia và gặt hái cho mình những thay đổi ngoạn mục sau chiến dịch này.
Hãy chia sẻ với bạn bè mình về chiến dịch này bằng cách SHARE bài blog này để cùng nhau, chúng ta tạo nên một cộng đồng học tập và phát triển không chỉ vì con mà vì chính chúng ta nữa, ba mẹ nhé!
Có thể bạn quan tâm: