Bước sang năm thứ ba sau khi chào đời, đa số trẻ đều có thể truyền đạt các nhu cầu của mình qua các câu đơn giản và cách phát âm của trẻ cũng rõ ràng hơn. Chúng sẽ học từ mới rất nhanh và biết sử dụng các từ mới đó sau khi nghe người lớn nói. Trẻ có thể sử dụng từ ngữ để nói về những gì đã xảy ra và những gì chúng muốn làm.
Các cuộc nói chuyện của trẻ 36 tháng tuổi (3 tuổi) giống như em bé Cá nhà mình hay nói với mình về một chuyện đã xảy ra như:
Trẻ: Con thích đi chơi lắm. Mẹ có nhớ là có một con chó ở công viên không?
Cha/mẹ: Có, mẹ nhớ con chó đó đã đi theo con khắp nơi, còn liếm tay con nữa.
Trẻ: Nó đã liếm tay con. Mình có thể đi công viên để xem con chó không mẹ?
Ngôn Ngữ Tiếp Thu của trẻ 18 - 36 tháng: trẻ có thể hiểu được những gì ở độ tuổi này?
Có thể cha mẹ đã biết điều này, nhưng mình vẫn cần nhắc lại rằng trẻ học cách nói chuyện và sử dụng ngôn ngữ từ việc nghe những gì mà người lớn nói trực tiếp với trẻ cũng như các cuộc nói chuyện đang xảy ra xung quanh trẻ. Vì vậy, bạn càng trò chuyện nhiều với trẻ, trẻ sẽ càng hiểu nhiều. Điều này cũng có thể áp dụng cho việc dạy trẻ ngôn ngữ thứ hai (như tiếng Anh).
Trẻ nhỏ ở giai đoạn này có thể hiểu được những yêu cầu gồm 2 bước.
Ví dụ: “Con lấy cái áo đỏ kia và mang lại đây cho mẹ nhé?”
Hoặc “Con đặt bát ăn của con vào mâm rồi lau mặt nhé”.
Ảnh: edit on Canva
Ngôn Ngữ Diễn Đạt của trẻ 18 - 36 tháng tuổi: trẻ có thể diễn đạt bằng lời nói như thế nào ở độ tuổi này?
“Ngôn ngữ diễn đạt” bao gồm tất cả các âm thanh và lời nói mà trẻ tạo ra. Đây là cách mà trẻ dùng để thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn hay sự quan tâm của mình. Ngoài lời nói, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ còn thể hiện qua việc trẻ biết hát và biết hỏi - trả lời khi đọc sách.
Ở giai đoạn này, trẻ có cách phát âm rõ ràng hơn, nên không chỉ cha mẹ có thể hiểu được lời trẻ đang nói, mà cô giáo hay bạn bè cũng có thể hiểu được trẻ nói gì ít nhất là 50%.
Với em bé được nuôi dạy song ngữ Việt Anh từ trước, khi đến giai đoạn này đã bắt đầu học các quy tắc về lời nói, nhưng vẫn còn mắc lỗi về ngữ pháp. Điều này là hoàn toàn bình thường.
Trẻ có thể tạo ra các cuộc nói chuyện ngắn, tự miêu tả điều mình đang làm và có thể kể về quá khứ (đã làm gì) hoặc tương lai (ngày mai mình sẽ làm gì).
Với các em bé đã được làm quen với sách ở giai đoạn trước, ở độ tuổi này sẽ thể hiện rõ sự quan tâm đến sách. Trẻ sẽ thích được đọc sách cùng với cha mẹ hay ngồi tự giở các trang sách và tự kể các phần câu truyện theo trí nhớ của mình. Chúng cũng có thể giả bộ đọc sách cho búp bê hay thú bông nghe.
Khi đọc cùng bố mẹ, trẻ thường sẽ nhìn các hình ảnh theo tay bố mẹ chỉ trong sách, hoặc chủ động chỉ các hình ảnh, thích được giở các trang sách và gọi tên một số đồ vật trong sách. Thậm chí đôi khi có thể kể cho bố mẹ nghe những gì sắp xảy ra tiếp theo.
Với các em bé thích ca hát, thì ở độ tuổi này sẽ biết hát cả bài đơn giản, hoặc nhận ra một bài hát quen thuộc trong khi đang chơi đùa.
Cách hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho con giai đoạn 18 - 36 tháng tuổi
Dưới đây là những gợi ý từ trang Allaboutyoungchildren về các cách trò chuyện và đọc sách để giúp phát triển ngôn ngữ cho con trong giai đoạn chạm đến mốc 3 tuổi. Cha mẹ cũng có thể xem thêm về các gợi ý dành cho trẻ từ 9 - 18 tháng tuổi tại đây.
Luôn kể cho con về điều mà bạn sắp làm hoặc đang làm (đặc biệt khi việc đó liên quan đến con).
“Mẹ sẽ cất mấy quyển sách này lên kệ nhé. Con có thể đưa mấy quyển sách đó cho mẹ được không?”
“Mẹ đang nhắn tin cho bà ngoại để bà biết mình sẽ về thăm ông bà vào cuối tuần này”.
“Mẹ sẽ hôn con 5 cái. Nào ta cùng đếm nhé”.
Khi con chú ý hoặc làm điều gì, hãy mô tả thật chi tiết sinh động những gì mà trẻ đang nghe/nhìn/làm.
“Mỗi khi chúng ta đọc quyển sách này, con thường giở đúng trang có hình con sâu bướm xem. Con kể cho mẹ nghe con thích gì ở bạn sâu bướm vậy?”
“Có rất nhiều rau củ trong cơm của con. Rau súp lơ màu xanh, cà rốt màu cam đều rất bổ dưỡng. Chúng sẽ giúp con cao lớn và khỏe mạnh”.
Nói về chuyện sắp xảy ra để con tập thói quen hình dung trước.
“Sau khi xem hết bài hát này, chúng ta sẽ đi xuống siêu thị dưới nhà và mua thức ăn cho bữa tối nhé”.
“Sáng mai, chúng ta sẽ dậy sớm để làm bánh khoai mà con thích nhé”.
Nói về chuyện vừa xảy ra. Điều này giúp trẻ có thói quen hồi tưởng, nhớ lại và hình dung về chuyện trong quá khứ.
“Sáng nay, khi mẹ chào tạm biệt con ở trường mẹ biết là con khóc và sau đó cô giáo đã kể cho mẹ nghe rằng con chỉ khóc một lúc rồi con vào góc búp bê chơi phải không?"
“Tuần vừa rồi, mình đã đến nhà bạn Bin chơi. bạn Bin có xe ô tô màu trắng, cả xe đạp màu đỏ, con nhớ chứ?".
Đọc sách cùng con mỗi ngày là một cách hữu ích để trau dồi ngôn ngữ và tư duy
Ảnh: edit on Canva
Trong khi đọc sách cho con, ba mẹ có thể thực hành theo một số gợi ý sau:
Khi đọc sách ở độ tuổi này, thường trẻ có thể có các câu hỏi hay ý tưởng mà chúng muốn nói chuyện trong khi đang đọc. Hãy để con được hỏi.
Cha mẹ có thể hỏi con các câu hỏi về cuốn sách. “Con nghĩ xem điều gì sắp xảy ra nào? Con thích nhất phần nào của câu chuyện?”
Khi bắt đầu đọc, hãy chỉ cho con thấy tựa đề sách ở đâu và cho chúng biết tên tác giả - người đã viết quyển sách.
Vừa đọc vừa chỉ tay vào chữ để con hình dung, liên tưởng giữa chữ viết và hình ảnh.
Bố mẹ có thể làm các quyển sách đơn giản cho con mình bằng cách cắt các ảnh từ tạp chí, báo cũ và dán lên giấy, và viết nội dung cho câu chuyện của mình theo các bức tranh. Các câu chuyện này không nên quá dài, chỉ cần vài trang là đủ để trẻ phát huy trí tưởng tượng, tập sáng tạo câu chuyện theo cách của mình.
Khi trẻ càng lớn, những gì mà bạn nói với trẻ, hoặc kể cả khi không trực tiếp nói với trẻ, đều có tác động nhất định đến tâm trí, tư duy và cách sử dụng ngôn ngữ của con. Vì vậy, hãy mang đến cho con những ảnh hưởng tích cực nhất từ chính những cuộc trò chuyện hàng ngày của bạn và con. Để hành trình từ ngôn ngữ đến trái tim con là trải nghiệm những niềm vui, hân hoan và háo hức.
Nguồn tham khảo: https://allaboutyoungchildren.org/english/18-months-to-36-months/
Lưu ý:
Bài viết được dịch và biên tập bám sát thông tin từ trang web allaboutyoungchildren (Bộ Giáo dục bang California, Mỹ). Các thông tin về cột mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ mà bạn đọc trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là nhận định mang tính chuyên môn y khoa về sự phát triển của trẻ. Quan trọng hơn, vì mỗi em bé là khác nhau nên có tốc độ phát triển khác nhau. Vì vậy không phải tất cả các em bé ở độ tuổi này đều có các biểu hiện được nhắc đến trong bài.
--------------
Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.
Chân thành cảm ơn bạn!