top of page

“Đừng tạo áp lực cho bản thân hay con trẻ, hãy biến việc đồng hành song ngữ cùng con là một hành trình vui vẻ”

Updated: May 7

Đó là chia sẻ từ chị Bích Huệ, mẹ của hai em bé đáng yêu Teppy và Mimi. Với kinh nghiệm thực tế từ chính hành trình của mình, chị Huệ sẽ giúp bạn có cái nhìn tích cực về việc học song ngữ cùng con và biến nó trở thành một quá trình thú vị mà không gây áp lực cho cả bố mẹ lẫn con trẻ. Cùng lắng nghe bí quyết của chị qua bài phỏng vấn sau nhé!


Câu hỏi: Xin chào chị Huệ! Chị hãy giới thiệu một chút về bản thân và gia đình mình nhé!


Mình tên đầy đủ là Nguyễn Thị Bích Huệ, sinh năm 1989, mình và gia đình hiện đang sống ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Hiện tại mình công tác ở lĩnh vực tài chính kế toán cho một doanh nghiệp có trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh.


Mình là mẹ của 2 bạn nhỏ: bé trai Teppy sinh năm 2019 và bé gái Mimi sinh năm 2021. 





Câu hỏi: Chị đã giới thiệu tiếng Anh cho bé từ khi nào?


Mình giới thiệu tiếng Anh với bé lớn từ khi bé khoảng 18 tháng tuổi. Nhưng để thực sự đồng hành và dạy hai con song ngữ một cách nghiêm túc thì mình mới bắt đầu trong khoảng 10 tháng gần đây.


Câu hỏi: Chiến lược mà chị áp dụng để giúp con song ngữ là gì? Đó là "một người - một ngôn ngữ" (OPOL - One Person One Language) hay Time & Place - phân chia 2 ngôn ngữ theo thời gian và địa điểm?


Hiện tại, mình đang áp dụng chiến lược T&P - phân chia sử dụng 2 ngôn ngữ theo thời gian và địa điểm. Lý do là vì mình còn phải đi làm toàn thời gian, nên chỉ có thể dành thời gian đồng hành song ngữ với các con vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy và buổi tối sau khi tan làm về nhà. Trong những khoảng thời gian này, mình sẽ cùng các con trao đổi các hoạt động trong ngày, đọc sách, chơi đồ chơi bằng tiếng Anh để vừa học vừa chơi, giúp các con hình thành thói quen và hứng thú với ngôn ngữ thứ hai một cách tự nhiên.


Câu hỏi: Chị là một thành viên rất tích cực tham gia các hoạt động học tiếng Anh cùng con theo các thử thách trong cộng đồng Dạy trẻ song ngữ, được biết là chị vẫn đi làm fulltime và còn phải di chuyển quãng đường dài mỗi ngày, vậy chị thường làm như thế nào để có đủ thời gian học song ngữ cùng con?


Mình chỉ có thể trả lời gói gọn trong 2 từ “ tranh thủ”. Mình tranh thủ khoảng thời gian ở nhà bên các con để trò chuyện bằng tiếng Anh:


- Vào buổi sáng, ngay sau khi gọi con dậy, mình sẽ cùng các con làm vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đồ đạc để đi học. Tất cả những hoạt động đơn giản lặp đi lặp lại này đều được mình thực hiện bằng tiếng Anh để các con quen dần với ngôn ngữ này. 


- Buổi tối, sau giờ làm về nhà, mình sẽ chào hỏi, trò chuyện vài câu tiếng Anh với các con về ngày hôm đó của mẹ, ví dụ: nói với con hôm nay mẹ về sớm hơn hoặc là hôm nay mẹ nhiều việc quá nên về trễ hơn, mẹ nhớ con nhiều lắm... Sau đó, mình tranh thủ ăn tối tắm rửa dọn dẹp thật nhanh để dành ít nhất 30 phút chơi cùng con bằng tiếng Anh, kết hợp đọc sách truyện tiếng Anh trong 15-30 phút trước khi ngủ. Có lúc bận rộn, mình sẽ bật loa phát các file nghe đã được chuẩn bị sẵn cho các con nghe trong lúc chơi đồ chơi hoặc xem kênh YouTube bằng tiếng Anh phù hợp, đồng thời hẹn giờ để giới hạn thời lượng xem.



Ảnh: Mẹ Bích Huệ và hai em bé Teppy, Mimi



Về cách phát triển kĩ năng nghe qua loa cho con, trình tự mình thực hiện sẽ là: 


+ Bước 1: Cho con xem một video về 1 chủ đề vài lần (có mẹ xem cùng) để con hiểu nội dung.


+ Bước 2: Chuyển video thành file mp3, chép vào loa và mở cho con nghe nhiều lần (nghe thụ động)


+ Bước 3: Con xem lại cùng mẹ và nói với nhau các nội dung đã xem, đọc thêm qua sách hoặc chơi flashcard về nội dung đó nếu có


Khi mình đi làm chưa về nhà, mình nhờ người nhà/ông bà mở loa cho con nghe. Điều quan trọng nhất là lặp đi lặp lại và cho con nghe thường xuyên mỗi ngày.


Câu hỏi: Ngoài việc mẹ trò chuyện, đọc sách và chơi trò chơi bằng tiếng Anh ở nhà cùng con, chị có áp dụng phương pháp bổ sung nào khác để giúp con học ngôn ngữ không? Ví dụ như gửi con đi học thêm, cho con học cùng ứng dụng…


Hiện tại, bé lớn Teppy nhà mình đã học 2 khóa tại trung tâm. Mục đích chủ yếu là giúp bé trở nên tự tin và mạnh dạn hơn khi giao tiếp, sử dụng tiếng Anh với những người không phải mẹ, đồng thời đa dạng hóa nguồn đầu vào ngôn ngữ.


Bên cạnh đó, mình cũng thường xuyên cho hai con sử dụng các ứng dụng như Kidsup, Babilala, Khan Academy Kids với tần suất khoảng 2 lần/tuần, mỗi lần khoảng 15 phút. Đây là cách kết hợp vui chơi và học tập rất hiệu quả, giúp các bé hứng thú hơn với việc chinh phục ngôn ngữ thứ hai.


Câu hỏi: Theo chị, điều quan trọng nhất giúp bé nói tốt 2 ngôn ngữ là gì?


“Tạo môi trường vui vẻ tự nhiên và không ép buộc con, giúp con hào hứng với ngôn ngữ” - theo mình đó là điều quan trọng nhất. 

Khi tiếp cận với ngôn ngữ mới trong bầu không khí thoải mái, các con sẽ thấy hào hứng với việc khám phá và chinh phục thử thách mới này. Chính niềm đam mê tự phát từ bên trong sẽ thúc đẩy trẻ nỗ lực học hỏi, ghi nhớ và vận dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả hơn.


Ngược lại, nếu gò bó trẻ phải “học” theo cách thức cứng nhắc, chắc chắn trẻ sẽ mất đi hứng thú học tập. Từ đó khiến quá trình tiếp thu và phát triển ngôn ngữ của trẻ bị ảnh hưởng rất lớn.


Vì vậy, mình luôn cố gắng biến mọi hoạt động học song ngữ trở thành những trải nghiệm thú vị để các con tự nguyện tham gia, khám phá theo cách riêng của mình và có niềm yêu thích với cả hai ngôn ngữ.


Câu hỏi: Trong quá trình học và sử dụng hai ngôn ngữ, 2 bé nhà mình có trộn lẫn các ngôn ngữ không? Tức là vừa nói tiếng Anh vừa nói tiếng Việt trong cùng một câu. Nếu có, chị đã xử lý tình huống này như thế nào?


Mình giới thiệu tiếng Anh với 2 bé hơi trễ, khi 2 bé đã nói được tiếng Việt khá tốt nên gần như không có tình huống trộn lẫn, chỉ thỉnh thoảng thêm từ tiếng Việt (không dấu) vào khi nói tiếng Anh với mẹ. Điều này xảy ra khi các bé chưa biết từ tiếng Việt đó dịch sang tiếng Anh là gì. Lần nào mình cũng phá lên cười trước cách nói đáng yêu của con khi nói từ tiếng Việt bằng ngữ điệu tiếng Anh.


Thay vì chỉ ra lỗi sai, mình cười đùa cùng con, rồi nhẹ nhàng chỉnh sửa lại để con ghi nhớ đúng cách diễn đạt bằng tiếng Anh. Điều này giúp duy trì không khí vui vẻ, thoải mái cho quá trình học mà vẫn đạt được mục đích rèn luyện ngôn ngữ thứ hai hiệu quả.



Mẹ cùng hai em bé Teppy và Mimi đọc sách The very hungry caterpillar


Câu hỏi: Điều gì chị cảm thấy tuyệt nhất khi nhìn lại hành trình nuôi dạy con song ngữ? Hay một kỉ niệm mà chị nhớ nhất.


Với mình, điều tuyệt nhất là khi nhận ra được bước tiến của con: con nói được một câu dài hơn, hoặc con tự đọc được một cuốn sách (đã được mẹ đọc và cho nghe loa nhiều lần), hoặc khi loa mở đến đoạn đó là con có thể hát theo, nói theo y hệt.


Kỷ niệm gần đây là với bé Mimi, khi đó hơn 2,5 tuổi. Trong lúc ngồi trên máy bay đợi cất cánh, con nhìn thấy ghế đối diện có 1 em bé (nhỏ hơn 1 tuổi), con đã quay qua nói với mẹ “Mami, i see baby, i love baby, baby is so cute”. Mẹ vừa ngỡ ngàng vừa vui sướng vì quá trình inputs của con mấy tháng qua đã có kết quả, con đã có thể bật nói thành câu dài và liên tục.


Câu hỏi: Nếu có điều gì chị muốn làm khác đi khi nghĩ lại quá trình dạy con song ngữ trước đây, thì điều đó là gì?


Mình hơi tiếc vì đã không tìm hiểu để bắt đầu dạy con song ngữ sớm hơn. 


Câu hỏi: Chị có chia sẻ hay tip nào dành cho các bố mẹ đang muốn dạy con song ngữ?


Có lẽ là điều mình đã chia sẻ ở trên về việc tranh thủ dạy con mọi lúc, và 3 bước để nạp input hiệu quả là: xem-nghe-nhắc lại. Nếu ba mẹ dành thời gian để tìm hiểu các nguồn tài liệu cho con nghe, xem phù hợp và kiên trì đồng hành cùng con, dù ba mẹ không quá giỏi tiếng Anh thì con vẫn có thể thạo hai ngôn ngữ.


Và đừng áp lực lên chính mình, cũng đừng áp lực lên con, hãy để việc đồng hành song ngữ cùng con là một hành trình vui vẻ, thoải mái nhất.


Cảm ơn chị Bích Huệ đã nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong hành trình dạy con song ngữ. Những chia sẻ chân thành, thiết thực đến từ chính trải nghiệm thực tế của chị sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều phụ huynh đang có ý định hoặc đang trên con đường giúp con tiếp thu ngôn ngữ thứ hai.


Một lần nữa, xin gửi lời cảm ơn chân thành và những lời chúc tốt đẹp nhất đến gia đình chị. Dạy trẻ song ngữ sẽ luôn là người bạn đồng hành của ba mẹ con trên hành trình song ngữ tràn đầy niềm vui này!


108 views0 comments
bottom of page