Đó là chia sẻ của chị Hoàng Anh, mẹ 2 bé em song ngữ Chichi và Chanchan. Hãy cùng lắng nghe hành trình dạy con song ngữ đầy tâm huyết của mẹ Anh cũng như những lời giới thiệu rất đáng yêu bằng 3 thứ tiếng Pháp - Việt - Anh của 2 cô bé 7 tuổi và 4 tuổi này qua bài phỏng vấn dưới đây.
Câu hỏi: Chào chị Hoàng Anh, chị chia sẻ một chút về mình và gia đình mình nhé!
Mình là Hoàng Anh, sinh ra ở Đà Nẵng và lớn lên ở thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi gia đình chuyển sang sinh sống tại Gabon (một nước ở châu Phi), mình từng làm trong ngành quảng cáo.
Mình có 2 bé, tên thường gọi là Chichi và Chanchan. Chichi là bé lớn (7 tuổi), có niềm yêu thích và khả năng về nghệ thuật thị giác, là người sáng tạo ra nhiều trò chơi với em. Chanchan là bé nhỏ (4 tuổi), có khả năng ghi nhớ tốt, năng động, rất thích được ba mẹ ôm, hôn. Chanchan còn là một cô bé rất vui vẻ, hoạt bát. Cả hai đều thích nói và nói nhiều, hay lý sự, hay hỏi và hỏi không ngừng nghỉ.
Các bé đều được sinh ra ở Pháp và đang sử dụng hai ngôn ngữ chính là tiếng Pháp và tiếng Việt. Ngoài ra bé học tiếng Anh ở trường cũng như nghe tiếng Anh từ 2 bố mẹ nói chuyện với nhau.
Câu hỏi: Chị có thể chia sẻ về thứ tự các tiếng mà bé biết nói cũng như hiện tại thì tiếng nào của bé là thành thạo nhất?
Các bé đều nói tiếng Việt đầu tiên, bắt đầu từ những từ đơn. Hành trình ngôn ngữ của hai bé thì có sự khác nhau.
Với Chichi là bé lớn, khi đi học ở trường mẫu giáo thì bé bắt đầu nói tiếng Anh vì lúc đó cả nhà đang ở London. Sau đó Chichi không nói tiếng Anh nhiều nữa vì đi qua Gabon cùng gia đình và học theo hệ thống trường Pháp. Với Chanchan là đi học luôn trường mẫu giáo Pháp nên bé nói tiếng Pháp.
Xin chia sẻ thêm là hệ thống học của Pháp quy định các bé bắt đầu đi học là từ 3 tuổi. Trước đó, hầu hết các bé ở nhà với mẹ do lượng nhà trẻ tư nhân thường kín chỗ ở Pháp và ngay cả UK. Thậm chí các mẹ phải xin học từ lúc bắt đầu có bầu mới mong có chỗ cho con. Và chi phí cũng khá tốn kém, bằng lương của các mẹ nên đa số sẽ lựa chọn ở nhà chăm con tới khi con có thể đi học mẫu giáo (3 tuổi). Vậy nên chị dành phần lớn thời gian 3 năm đầu cho hai đứa nên hai bé đều nói những từ đơn đầu tiên bằng tiếng Việt. Ví dụ như : ba, dạ, mẹ, không, ở đây, đâu…
Hiện nay hai bé đều nói cả 2 tiếng Pháp và Việt. Tuy nhiên, nói tiếng Pháp tốt hơn vì môi trường quanh bé bây giờ là tiếng Pháp. Tiếng Việt nói với chị, nói với gia đình ở Việt Nam, thầy cô dạy online. Tiếng Anh chị không dạy mà các bé được học ở trường và nghe cha mẹ nói chuyện. (Chia sẻ thêm là chị và chồng thường dùng tiếng Anh nói chuyện với nhau, bên cạnh tiếng Pháp, còn với con thì thống nhất: bố - con dùng tiếng Pháp, mẹ - con dùng tiếng Việt).
Ảnh: Chị Hoàng Anh và 2 con đang "chơi" cùng nhau
Câu hỏi: Phương pháp mà chị áp dụng để giúp con nói đa ngôn ngữ là gì? Có phải nhà mình dùng phương pháp “mỗi người một ngôn ngữ” one person one language OPOL? Mẹ là người dạy bé tiếng Việt, ba bé dạy bé tiếng Pháp còn ở trường bé học hoàn toàn tiếng Anh?
Đúng vậy. Chị dùng OPOL và cố gắng nói rõ ràng, chậm, dễ hiểu. Trong khi chị dạy con tiếng Việt thì chồng chị cũng học lỏm được tiếng Việt và hiểu luôn nội dung chị nói chuyện với con. Có nhiều lúc chi bị bí từ vựng tiếng Việt, chị vẫn cố gắng diễn đạt một cách dài dòng để con hiểu ý mình muốn nói là từ gì. Ví dụ: khi đọc sách, có một vài từ con không hiểu như “can đảm”. Con hỏi thì chị sẽ giải thích “Can đảm là dám làm điều con lo sợ”.
Câu hỏi: Trong khoảng thời gian đầu khi con biết nói, các con có gặp vấn đề bối rối khi sử dụng nhiều ngôn ngữ một lúc không? Chị có gặp khó khăn gì khi dạy bé và duy trì 3 ngôn ngữ trong nhà không?
Con có bị code-mixing, tức là con pha từ vựng tiếng Pháp khi nói chuyện với chị bằng tiếng Việt. Đây là trường hợp bình thường vì con không đủ vốn từ hoặc không biết diễn đạt ý của mình theo tiếng Việt như thế nào nên đem vốn tiếng Pháp của con sang. Chị chỉ nhắc lại và hỏi lại “À, con muốn nói…ý này phải không?” Mình chỉ lặp lại và cung cấp thêm từ vựng cho trẻ hoặc sửa câu trẻ nói sai.
Chị gặp rất nhiều khó khăn khi dạy tiếng Việt. Vì chị không có nhiều nguồn hỗ trợ bên cạnh, hai bé chỉ nghe duy nhất một nguồn tiếng Việt từ chị và qua online với người khác. Các tài liệu dạy tiếng Việt rất ít, không phong phú về chủng loại, kém hấp dẫn so với tiếng Pháp. Nhạc thiếu nhi ở Việt Nam chưa được coi trọng và đầu tư, cần rất nhiều bài hát hay, dễ nghe, gây nghiện như các bài nhạc trẻ. Chị mang rất nhiều sách từ Việt Nam sang và tự tạo hệ thống tài liệu tiếng Việt cho con.
Còn với tiếng Anh thì chị không dạy tiếng Anh tại nhà do chị muốn dồn nhiều thời gian để trẻ có thể nghe, chơi, tương tác với chị bằng tiếng Việt. Các bé chỉ nghe bố mẹ nói chuyện tiếng Anh và học ở trường. Nhưng đều hiểu hết tiếng Anh bố mẹ nói và có thể trả lời tiếng Anh dù trình độ không cao như tiếng Pháp và tiếng Việt. Ở đây hai bé đang ở trình độ receptive bilingual mà thôi. Chị không suy nghĩ nhiều về học tiếng Anh của bé vì tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới rồi, kiểu gì hai bé cũng sẽ được học ở trường và sau này tự hai bé sẽ biết cách học thêm. Ngoài ra tiếng Pháp và tiếng Anh rất gần nhau về mặt từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh không là vấn đề nếu học được ngữ pháp của tiếng Pháp.
Video: bé ChiChi đọc sách bằng tiếng Việt và tiếng Pháp
Câu hỏi: Với việc là người dạy con tiếng Việt và sống ở một nơi ít có tiếng Việt, chị đã cho các bé tiếp xúc với tiếng Việt bằng những cách nào?
Chị trò truyện và đọc sách là nhiều nhất. Trò chuyện thì cần có nội dung gì để nói với trẻ, nên chị tạo các hoạt động chơi với con và dạy con học thông qua các hoạt động, trò chơi.
Ứng dụng đọc sách điện tử, các sách nói, video nhạc thiếu nhi chị thấy chưa ổn. Chị có cho nghe một vài sách nói nhưng sách nói cho trẻ con ở Việt Nam làm chất lượng theo chị chưa ổn, chưa tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn để trẻ nghe. Thay vào đó, chị tìm đến các thầy cô dạy mỹ thuật, đọc sách (trong thời Covid) để con có thể vừa làm hoạt động, vừa nghe thầy cô nói và trả lời lại.
Câu hỏi: Theo chị thì điều gì là quan trọng nhất giúp bạn nhỏ nhà chị nói tốt nhiều ngôn ngữ?
Điều quan trọng nhất là phải tạo được sự hứng thú, tò mò cho trẻ.
Nếu trẻ không thích thì đừng ép trẻ và đừng ép bản thân phải dạy trẻ cho bằng được để hoàn thành mục tiêu. Linh động chuyển đổi các hình thức học và tương tác với trẻ. Ngôn ngữ cần được sử dụng hằng ngày trong mọi tình huống của cuộc sống chứ không nhất thiết ngày nào cũng phải bắt trẻ ngồi vào học. Trẻ học nhiều nhất thông qua các hoạt động và chơi với cha mẹ.
Câu hỏi: Theo chị quan sát ở cộng đồng nước ngoài - nơi mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ bản địa thì họ đang dùng những cách nào để giúp các bạn nhỏ sớm lĩnh hội được tiếng Anh? Nó có giống và khác gì so với cách các gia đình và nhà trường ở Việt Nam đang làm ạ?
Các mẹ sẽ cho đi học thêm ngoài giờ với các cô bản ngữ tiếng Anh, dùng các thiết bị điện tử và ứng dụng, chương trình dạy tiếng Anh online. Người Pháp và cộng đồng nói tiếng Pháp nói chung, họ hầu hết không có quyết tâm và ham muốn mạnh cho con học tiếng Anh như người Việt. Họ cũng không chăm chỉ học ngoại ngữ như người Việt và thường khá bị động trong việc học ngoại ngữ nói chung. Tất nhiên cũng có vài trường hợp họ rất chịu khó theo sát việc học của con và phần lớn những cha mẹ đó đã có tiếng Anh rất tốt và họ xác định tiếng Anh cần thiết với con của họ.
(Video 2 bé Chichi và Chanchan giới thiệu bản thân bằng 3 ngôn ngữ)
Câu hỏi: Điều gì chị cảm thấy tuyệt nhất khi nhìn lại hành trình nuôi dạy con đa ngôn ngữ?
Có rất nhiều điều tuyệt vời khi chị nhìn lại hành trình này. Có lẽ cái lớn nhất chị nhận được với việc dạy tiếng Việt là hành trình khám phá yêu văn hoá Việt, yêu ngôn ngữ Việt lại từ đầu. Ngôn ngữ đi liền với văn hoá, lịch sử, truyền thống. Có những thứ chị nghĩ chị biết nhưng chị không giải thích được với con, và chị phải tự hỏi mình đã thực sự hiểu sâu biết sắc tiếng Việt, đã biết hết văn hoá của mình hay chưa.
Điều tuyệt vời nữa là để dạy con thì chị phải đi nghiên cứu về ngôn ngữ và khám phá ra nhiều kiến thức rất hay. Chị kết nối được với nhiều cha mẹ yêu thích dạy con đa ngôn ngữ trên toàn thế giới. Nói được nhiều ngôn ngữ là một điều rất tuyệt vời.
Ngay với bản thân chị, chị cảm giác mình như có phép thuật khi dùng được 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp. Sử dụng được nhiều ngôn ngữ đã mở ra rất nhiều cơ hội cho chị. Nó thay đổi thế giới quan, cách mình nhìn vấn đề trở nên đa chiều, nhiều góc cạnh hơn. Mình dạy con và cùng học ngôn ngữ với con luôn. Khi con nói chuyện tiếng Pháp, coi phim hoạt hình, mẹ cũng được củng cố tiếng Pháp luôn.
Chị Hoàng Anh có một bản tin chia sẻ về việc học tiếng Việt cho bé trên kênh substack: https://www.phomaivanuocmam.com. Thời gian gần đây chị đang trong quá trình điều chỉnh lại trang web, sắp tới sẽ cập nhật thêm nhiều video học cùng con, cả nhà cùng đón chờ nhé!
Câu hỏi: Chị có chia sẻ gì dành cho các bố mẹ đang muốn dạy con nhiều ngôn ngữ mà chưa biết bắt đầu từ đâu?
Học cái gì cũng vậy, bất kể là ngôn ngữ hay không, phải bắt đầu bằng việc hứng thú và yêu thích. Học cái gì mà chúng ta yêu thích thì chúng ta không có cảm giác chúng ta phải học mà chúng ta đang thưởng thức nó. Giống như xem một bộ phim hấp dẫn hoặc ăn một món ăn ngon vậy. Khi chúng ta yêu cái gì đó, và tình yêu đủ mạnh, nó sẽ dẫn dắt chúng ta đi rất xa. Mà muốn yêu cái gì đó cần có thời gian tìm hiểu, quan sát thật nhiều để hiểu về nó.
Hãy tìm đến sách, tài liệu, phim ảnh, ca nhạc cái gì làm bản thân bạn hứng thú. Coi phim, nghe nhạc thật nhiều vào. Chị luyện tiếng Anh ngày xưa bằng cách nghe radio lúc phụ mẹ làm việc nhà, một mùa hè luyện hết tất cả sê-ri phim Friends không nhìn phụ đề trên đài HBO. Chồng chị ngày xưa luyện hết bộ The Simpson. Tiếng Pháp chị cũng học tương tự, nghe radio, nghe phim hoạt hình của con lúc nấu ăn.
Ngôn ngữ sinh ra là để sử dụng nên muốn giỏi ngôn ngữ nào thì hãy gắn nó với cuộc sống hằng ngày. Hãy tạo ra các hoạt động nói chuyện, trao đổi với con, đọc sách, chơi các trò chơi ngôn ngữ, hát hò, nấu ăn cùng con, ra ngoài chơi, làm việc nhà, … vô vàn cách.
Không nên lạm dụng nhiều các thiết bị điện tử vì không có sự tương tác với trẻ, trẻ nói sai không được sửa và cũng không biết mình nói sai. Có thể sử dụng nó như một công cụ trợ giúp và có giới hạn thời gian. Tham gia vào cộng đồng những người yêu thích ngôn ngữ để được hướng dẫn và truyền cảm hứng.
*Cảm ơn chị Hoàng Anh vì những chia sẻ mới mẻ và thú vị! Chúc gia đình chị nhiều sức khỏe, hạnh phúc và luôn lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người!
Đọc thêm: