Mời bạn theo dõi một trường hợp học song ngữ điển hình của những gia đình Việt sinh sống ở nước ngoài qua chia sẻ của mẹ Ngân. Đây là một câu chuyện thực tế về hành trình học song ngữ của bé Gạo cũng như cách Ngân chinh phục tiếng Anh để có thể sống và làm việc ở Úc.
Câu hỏi: Xin chào Ngân, cảm ơn Ngân vì đã dành thời gian tham gia phỏng vấn cùng Dạy Trẻ Song Ngữ, Ngân chia sẻ một chút về mình và bé nhé?
Xin chào, mình là Ngân, hiện tại Ngân đang sống và làm việc ở Úc. Công việc chính của Ngân là một Đại diện nhãn hiệu (Trademark Attorney), chuyên tư vấn và thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế và bản quyền cho các doanh nghiệp.
Con gái mình tên là Gạo, tháng 4 này bé sẽ lên 4 tuổi. Gạo thích vẽ, đọc sách hoặc nghe ba mẹ đọc sách, và chơi cùng ba mẹ. Gạo khá nhút nhát khi tiếp xúc lần đầu, nhưng rất hoạt ngôn khi đã quen.
Câu hỏi: Gia đình Ngân đang ở Úc vậy thì em bé Gạo cũng được sinh ra ở Úc phải không? Bé hiện tại có thể nói cả tiếng Việt và tiếng Anh hay chỉ nói tiếng Anh thôi?
Gạo sinh ra ở Úc và đến nay thì con nói được 2 ngôn ngữ Anh - Việt. Vì bọn mình xác định bé có thể học tiếng Anh một cách tự nhiên khi đến trường, tiếp xúc cùng thầy cô, bạn bè. Điều bọn mình suy nghĩ là làm sao để bé có thể sử dụng tiếng Việt tại Úc.
Câu hỏi: Ba mẹ có áp dụng phương pháp song ngữ cụ thể nào khi dạy bé không?
Khi quan sát những gia đình gốc Việt xung quanh, vợ chồng mình thấy là nhiều bé sinh ra ở đây không thể nói được tiếng Việt một cách tự nhiên dù cả ba mẹ đều được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam trước khi đến Úc sinh sống. Và với mục tiêu là giúp con mình nói được hai thứ tiếng, vợ chồng mình thống nhất là không sử dụng bất kỳ từ tiếng Anh nào ở nhà. Do đó, tất cả các giao tiếp khi ở nhà đều bằng tiếng Việt. Còn bé chỉ tiếp xúc tiếng Anh vào lúc 14 tháng tuổi, khi lần đầu tiên được đi nhà trẻ. Theo mình, đó là lý do chính mà Gạo đã có thể nói được hai thứ tiếng đến thời điểm hiện tại.
Người phỏng vấn: Như vậy là nhà Ngân dùng phương pháp nói ngôn ngữ thiểu số ở nhà (MLAH).
Video: Gạo đang trò chuyện cùng mẹ Ngân tại nhà bằng Tiếng Việt
Câu hỏi: Gia đình bạn đã nuôi dưỡng tiếng Việt cho con bằng cách nào khi sống ở Úc?
Như mình đã chia sẻ, trong gia đình nhỏ bọn mình chỉ sử dụng tiếng Việt, không bao giờ sử dụng hay “chèn” tiếng Anh khi giao tiếp. Do đó, ngay từ lúc sinh ra và lớn lên, Gạo luôn có sự kết nối với ba mẹ bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Bọn mình cũng mua nhiều sách tiếng Việt chuyển qua và dành thời gian đọc cùng Gạo.
Bên cạnh đó, mình khuyến khích con nói chuyện với ông bà và mọi người ở Việt Nam mỗi khi gọi online. Nhờ vậy, bé luôn cảm thấy có sự kết nối với mọi người ở Việt Nam. Điều này thể hiện rõ trong chuyến về Việt Nam dịp Tết âm lịch vừa rồi.
Câu hỏi: Trong khoảng thời gian đầu biết nói, bé Gạo có gặp khó khăn khi sử dụng song song hai ngôn ngữ không?
Với Gạo, con biết tiếng Việt trước khi biết đến tiếng Anh. Lúc đầu vợ chồng mình băn khoăn, sợ con không biết từ tiếng Anh nào thì đến trường sẽ không hiểu mọi người nói gì, nhất là lúc đó con mới 14 tháng tuổi. Nhưng trộm vía, vợ chồng mình không phát hiện sự khó khăn nghiêm trọng nào trong việc sử dụng hai ngôn ngữ của con.
Câu hỏi: Hiện nay bé vẫn nói cân bằng cả hai ngôn ngữ hay có thiên về ngôn ngữ nào hơn không?
Hiện tại gần 4 tuổi, bé thoải mái giao tiếp hai ngôn ngữ. Khi ở nhà hay tiếp xúc với người Việt bé nói tiếng Việt. Lên trường, hay chơi với bạn bè bé sẽ dùng tiếng Anh.
Chỉ thỉnh thoảng trong khi nói tiếng Việt, Gạo có chèn một số chữ tiếng Anh nếu bé không biết tiếng Việt được nói đúng như thế nào. Ví dụ: “cầu vồng” bé lại nói là “rainbow” hay “cuối tuần” lại nói là “weekend.” Lúc đó, mình thường nhắc lại từ đúng của tiếng Việt cho Gạo, để bé nhớ hơn.
Ảnh: Ngân Trần
Câu hỏi: Theo Ngân, điều gì là quan trọng nhất giúp bé nói tốt cả hai ngôn ngữ?
Theo Ngân, đó là sự quyết tâm và kiên định của ba mẹ về việc giúp con mình có thể sử dụng hai ngôn ngữ khi còn nhỏ.
Khi trả lời được câu hỏi “Tại sao muốn con mình nói được hai ngôn ngữ?” một cách rõ ràng và thực sự thuyết phục bản thân, ba mẹ mới có thể kiên định đồng hành cùng con trong hành trình sử dụng hai ngôn ngữ từ lúc nhỏ.
Cụ thể với vợ chồng mình, lý do chính là mong muốn có được sự kết nối “sâu” với con. Bởi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của vợ chồng mình. Do đó, vợ chồng mình sẽ không thể nào chia sẻ được những suy nghĩ, tâm tư khi con đến tuổi dậy thì nếu sử dụng tiếng Anh.
Thứ hai, mình nghĩ việc sử dụng hai ngôn ngữ cùng một lúc sẽ giúp não bộ của con hoạt động nhiều hơn, hy vọng sẽ tạo nên nhiều kết nối nơron hơn.
Thêm nữa, khi con giao tiếp được với ông bà, họ hàng hai bên bằng tiếng Việt sẽ tạo sự gắn kết của con với Việt Nam nhiều hơn. Dù sao đây cũng là gốc gác của gia đình mình, sau này lớn lên con sẽ tự quyết định có giữ gìn hay không.
Cuối cùng, vợ chồng mình nghĩ rằng nói thêm được một ngôn ngữ là cơ hội mở rộng thêm nhiều kiến thức, văn hóa, mối quan hệ…Đây là trải nghiệm mà bọn mình có được khi biết thêm tiếng Anh.
Ảnh: Ngân Trần
Câu hỏi: Điều gì khiến Ngân cảm thấy tuyệt nhất khi nhìn lại hành trình nuôi dạy con song ngữ cho đến thời điểm này?
Thích nhất khi cả gia đình nói chuyện, Gạo nói lảnh lót, ngây thơ và dễ thương bằng ngôn ngữ Việt. Nhưng khi gặp bạn và thầy cô ở trường, con vẫn có thể tự nhiên và thoải mái khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Đặc biệt, đợt Tết vừa rồi, lần đầu tiên Gạo được về Việt Nam, được nói chuyện với ông bà nội ngoại hai bên, bé có nhiều kỷ niệm và gần gũi hơn với mọi người. Có lúc Gạo buột miệng nói những câu tiếng Việt mà vợ chồng mình không ngờ đến như: Gạo “tưởng”…, Gạo “chả” ăn đâu, cái này “mắc” nên con không mua…
Chỉ cần có môi trường và biết cách thì một em bé có thể sử dụng hai ngôn ngữ. Thậm chí, con của bạn Ngân có thể sử dụng 3 ngôn ngữ, nói chuyện với ba bằng tiếng Đức, với mẹ bằng tiếng Ý và bạn bè bằng tiếng Anh. Đây là điều mà thế hệ 9X đời đầu như Ngân chưa nghĩ đến. Bởi bản thân thấy việc học và giao tiếp được ngôn ngữ thứ hai thực sự khó khăn, tốn rất nhiều thời gian và nỗ lực.
Có thể bạn quan tâm:
Câu hỏi: Được biết công việc của Ngân rất bận rộn, vậy lúc trước bạn đã làm thế nào để phát triển tiếng Anh của mình?
Ngân thực sự không phải là một người giỏi tiếng Anh, chỉ học lực bình thường ở cả ba cấp và khi lên Đại học. Do Ngân sống ở một vùng quê ở Huế nên cũng không có nhiều điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh. Và thực sự lúc đó cũng không biết học tiếng Anh giỏi để làm gì!
Ngân chỉ quyết tâm học tiếng Anh nghiêm túc khi xác định muốn đi du học, tò mò cuộc sống ở ngoài kia như thế nào. Lúc đó, Ngân cứ mong muốn được một lần thử sống ở nơi mà tất cả mọi người xung quanh đều nói tiếng Anh.
Do đó, sau khi tốt nghiệp Đại học, Ngân đã dành thời gian khoảng 6 tháng không đi tìm việc liền, mà chỉ tập trung ôn luyện tiếng Anh để thi Ielts, nhằm đủ điểm học Thạc sĩ cũng như nộp hồ sơ xin học bổng. Vì vậy, ban ngày Ngân học tiếng Anh, ban đêm Ngân đi làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh tại Sài Gòn để có tiền chi tiêu sinh hoạt.
Rất may mắn, Ngân đạt được số điểm mình cần, rồi sau đó Ngân mới đi tìm việc. Và dần dần chuẩn bị tìm kiếm con đường để đi du học như mong ước của bản thân. Cột mốc đạt được số điểm Ielts mà bản thân cần có thể xem là thời điểm Ngân tự tin hơn với khả năng tiếng Anh của mình.
Câu hỏi: Với các mẹ muốn học tiếng Anh từ đầu, Ngân có chia sẻ gì động viên các mẹ hay có mẹo gì giúp việc học hiệu quả không?
Các mẹ cần xác định được “Lý do thực sự mình muốn học tiếng Anh là gì?”, “Tại sao cần học tiếng Anh?” Ngân nghĩ chỉ khi nào mình có được một lý do phù hợp với mong muốn, những giá trị trong cuộc sống mà mình muốn hướng đến và thuyết phục thì mới giúp chúng ta đi đường dài được.
Bởi việc chinh phục tiếng Anh không chỉ một ngày, một tuần, một tháng… mà đôi lúc cần tính bằng năm, cần nhiều nỗ lực và quyết tâm.
Tiếp theo, cần kiên trì với bản thân, chỉ cần tìm một phương pháp/giáo trình phù hợp và bền bỉ theo đuổi nó đến cùng, dần dần các mẹ sẽ cảm nhận được sự tiến bộ của bản thân. Dẫu là từng chút nhỏ thôi, nhưng gom từng chút đó lại sẽ là một chặng đường lớn. Và hãy nhớ tự thưởng cho mình cái gì đó để khích lệ bản thân khi vượt qua mỗi chặng nhỏ.
Bởi Ngân thấy một số bạn, đôi lúc quá ôm đồm, thấy tài liệu, khóa học nào hay cũng muốn sở hữu nhưng cuối cùng không hoàn thành trọn vẹn tài liệu/giáo trình nào cả. Như vậy, thật khó để tích lũy dần vốn tiếng Anh của bản thân.
Đối với kỹ năng nói, việc nắm vững các âm, đọc đúng ngay từ đầu sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian trong dài hạn (sửa âm đọc sai còn khó hơn dạy ngay từ đầu). Chữ nào Ngân không biết chính xác, Ngân đều tra từ điển cách phát âm để biết cách đọc đúng ngay từ đầu. Một số chữ nếu không nắm vững về phát âm sẽ khó phân biệt như: right-ride, safe-save, she-see, ship-sheep… Ngoài ra, khi đọc đúng, khả năng nghe của bạn cũng được cải thiện, bởi đọc đúng thì mới dễ dàng nghe đúng hơn. Về vấn đề này, Ngân cũng chia sẻ thêm là với kinh nghiệm dạy và học tiếng Anh của mình, vợ chồng Ngân đang xây một kênh Youtube có tên Atom English về Luyện âm tiếng Anh giọng Mỹ. Đây là một dự án miễn phí với mong muốn giúp các bạn tự tin hơn với việc phát âm và có nền tảng vững vàng cho việc học tiếng Anh về sau.
Hy vọng chia sẻ của Ngân là hữu ích đối với các mẹ!
*Cảm ơn Ngân vì những chia sẻ không chỉ truyền cảm hứng mà còn hữu ích cho cả bé lẫn mẹ! Chúc gia đình Ngân nhiều sức khỏe, niềm vui và ngày càng lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người!
Bạn có thể tìm hiểu thêm về Ngân tại:
Facebook: https://www.facebook.com/thanhngan0308