Trẻ em có khả năng thiên bẩm trong việc phân biệt các âm thanh của bất kỳ ngôn ngữ nào chúng nghe được ngay từ khi sinh ra. Sự nhạy cảm với ngôn ngữ bắt đầu giảm đi khi trẻ được 8 tháng tuổi, lúc bộ não của trẻ tạo ra các kết nối cần thiết để nhận biết và học ngôn ngữ mà trẻ tiếp xúc thường xuyên nhất.
Do vậy, hiểu được sự phát triển ngôn ngữ của trẻ trong thời gian này sẽ giúp bạn tận dụng được thời gian quý báu để đồng hành cùng con phát triển ngôn ngữ. Sau đây là những thông tin cơ bản và quan trọng về cách trẻ học ngôn ngữ trong giai đoạn từ 0-8 tháng tuổi.
Cách học ngôn ngữ của trẻ từ 0 - 8 tháng tuổi
Bạn có biết trẻ đã giao tiếp với bạn ngay từ khi mới sinh ra, dù trẻ chưa biết nói? Trẻ sơ sinh rất thích thú khi nghe tất cả lời nói và âm thanh gần chúng. Ở giai đoạn này, chúng học ngôn ngữ một cách tự nhiên từ cha mẹ và những người xung quanh, thông qua cách chúng ta nói chuyện với con và trong mọi tương tác hàng ngày. Vì vậy, trò chuyện với con một cách tích cực hàng ngày là cách bạn giúp trẻ học nói ở giai đoạn đầu tiên này.
Trẻ từ 0 - 8 tháng tuổi giao tiếp với chúng ta bằng các “cuộc nói chuyện không lời”, đó chỉ là những tiếng e .. ê …a … rồi chờ đợi người lớn phản hồi, trò chuyện với chúng. Từ chính các cuộc trò chuyện không lời này, trẻ đang học cách giao tiếp, trải nghiệm việc “lắng nghe”, phản hồi và hăm hở tiếp thu lời nói từ người thân, nhất là những người trẻ yêu thương.
Ảnh: edit on Canva
Hiểu về ngôn ngữ tiếp thu ở trẻ 0 - 8 tháng tuổi
“Ngôn ngữ tiếp thu” chỉ khả năng trẻ nghe và hiểu các từ vựng, ý tưởng.
Trẻ luôn phát triển ngôn ngữ tiếp thu trước rồi mới đến cách thể hiện và diễn đạt thành lời (hay còn gọi là ngôn ngữ diễn đạt). Số từ và câu mà trẻ hiểu luôn nhiều hơn những gì trẻ nói ra được. Đó chính là lý do mà nhiều cha mẹ nhận thấy khi nói với con điều gì con đều hiểu được, thực hiện theo được nhưng chưa nói ra được.
Trẻ thu nạp từ vựng và phát triển ngôn ngữ của mình bằng cách nghe những từ, câu được cha mẹ hay người thân nói trực tiếp với mình, và cả các cuộc hội thoại đang xảy ra xung quanh khi người lớn nói với nhau.
Để giúp trẻ hiểu cách hoạt động của giao tiếp là sự trao đổi hai chiều, có hỏi và đáp, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ hãy lưu ý:
Khi bạn nói với con, hãy nói chậm rãi và tỏ ý chờ đợi con phản hồi lại. Cho dù không phải lúc nào bạn cũng thấy sự phản hồi rõ ràng ở trẻ. Đó chính là cách bạn giúp trẻ hiểu bạn đang thực hiện việc giao tiếp với trẻ.
Đồng thời, ngay ở giai đoạn này, trẻ đã có khả năng chú ý và hiểu ý nghĩa của âm điệu trong giọng nói của bạn. Ví dụ, trẻ có thể nhận ra khi giọng nói của bạn thể hiện sự hào hứng, trìu mến, hay buồn bã, sợ hãi… Trẻ sẽ học cách sử dụng âm điệu tương tự trong các cuộc nói chuyện của riêng mình. Vì thế,
khi bạn buồn hay căng thẳng, đừng nghĩ là trẻ còn nhỏ nên chưa biết, chỉ là con chưa nói ra được thôi.
Hiểu về ngôn ngữ diễn đạt ở trẻ 0 - 8 tháng tuổi
“Ngôn ngữ diễn đạt” bao gồm tất cả các âm thanh và lời nói mà trẻ tạo ra để thể hiện suy nghĩ, mong muốn, cảm xúc.
Đối với trẻ sơ sinh, chúng sử dụng tiếng khóc, âm thanh ê a và cử chỉ để thể hiện cảm giác, nhu cầu của mình.
Trẻ ở giai đoạn này thường tạo ra nhiều âm thanh khác nhau trước khi thực sự nói thành lời. Trước tiên, chúng thường phát ra một tràng âm thanh liền nhau như “ê-ê-ê” hay “ba-ba-ba” và thích thú khi người khác lặp lại các âm thanh đó theo chúng. Một vài tháng sau, các âm thanh của chúng bắt đầu có ý nghĩa. Ví dụ: “b-b-b-b” ý nói “bà”, hay “m-m-m” để gọi “mẹ”.
Dù trẻ chưa nói được thành từ chính xác ở giai đoạn này, cha mẹ hãy thể hiện niềm vui khi nghe con “nói theo cách của con” để khích lệ con tiếp tục cho đến khi các từ trẻ nói ra giống như các từ bạn nói.
Khả năng song ngữ của trẻ giai đoạn 0 - 8 tháng tuổi
Các trẻ có cơ hội nói song ngữ ở độ tuổi đầu đời này sẽ hưởng được nhiều lợi ích từ việc sử dụng hai ngôn ngữ trong suốt cuộc đời mình.
Trẻ nhỏ rất khéo léo trong việc học ngôn ngữ và có khả năng học hai hay nhiều ngôn ngữ ngay cả trước khi chúng bắt đầu đi học.
Hiện nay có hai luồng ý kiến về việc nên cho trẻ học song song hai thứ tiếng ngay từ khi mới sinh hoặc trong khi tập nói, hay nên chờ cho đến khi con nói thành thạo tiếng mẹ đẻ (tức tiếng Việt) rồi mới cho học ngôn ngữ khác.
Theo các nghiên cứu và thực tế mình quan sát, cha mẹ hoàn toàn có thể cho con tiếp xúc tiếng Anh đồng thời với tiếng Việt ngay từ khi mới sinh hoặc con có thể học tiếng Anh khi bắt đầu đi nhà trẻ (từ khoảng 2-3 tuổi). Cả hai cách đều mang lại kết quả tích cực để giúp trẻ trở thành em bé song ngữ, chỉ cần có sự đồng hành của ba mẹ.
Nếu bạn muốn con nói tốt tiếng Việt trước, bạn có thể hỗ trợ bằng cách nói chuyện, đọc sách và hát cho các con nghe bằng tiếng Việt trong giai đoạn đầu này. Bằng cách này trẻ học được nhiều kỹ năng ngôn ngữ có ích khi bắt đầu học tiếng Anh về sau.
Nếu bạn muốn dạy con cả tiếng Anh và tiếng Việt ngay từ khi con sinh ra thì cần tạo môi trường cho con tiếp thu cả hai ngôn ngữ một cách có chiến lược để không ngôn ngữ nào bị lệch so với ngôn ngữ còn lại. Bắt đầu dạy trẻ song ngữ ở độ tuổi sơ sinh không phải là quá sớm. Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu về việc này ở mục “Hiểu về song ngữ”. Còn bây giờ sẽ là mẹo giúp con phát triển ngôn ngữ (dù là tiếng Anh hay tiếng Việt đều áp dụng được) trong giai đoạn 0 - 8 tháng tuổi.
Mẹo giúp cha mẹ phát triển ngôn ngữ cho trẻ từ 0 - 8 tháng tuổi
Ảnh: edit on Canva
0 - 8 tháng tuổi là giai đoạn mà trẻ cần cha mẹ nhất và cha mẹ có thể tạo nên những ảnh hưởng tích cực nhất cho con thông qua chính cách trò chuyện của mình. Sau đây là những gợi ý từ trang Allaboutyoungchildren (mọi điều về trẻ nhỏ) của Bộ giáo dục bang California, Mỹ dành cho các bố mẹ muốn phát triển ngôn ngữ của con:
Luôn nói cho trẻ biết bạn sắp làm gì với trẻ.
“Mẹ sẽ bế con lên bây giờ nhé”.
“Đây là áo của con. Mình sẽ tròng áo qua đầu con nhé”.
“Mình chuẩn bị đi tắm nha con”.
Khi trẻ chú ý đến điều gì, hãy miêu tả thật chi tiết, sinh động những gì mà trẻ đang nhìn/nghe thấy.
“Con có nghe thấy tiếng kèn ‘tintin’ không?”
“Con đang sờ vào chú mèo bông đó. Nó mềm và êm quá nhỉ”.
“Con đang chép miệng hả. Con có khát nước không?”
Nói về những gì trẻ đang làm: khi trẻ đang trải nghiệm điều gì, chúng cũng đang học các từ để nói về điều đó.
“Con vừa lật một vòng đó!”
“Khi con chạm vào trái banh đó, nó lăn đi mất rồi”.
“Con vừa uống hết bình sữa đó.”
Chia sẻ về những gì bạn đang làm: khi trẻ quan sát điều gì, trẻ cũng đang học các từ để nói về điều đó.
“Mẹ đang tìm đôi giày của mẹ, mẹ không thấy nó ở đây”.
“Mẹ đang lấy cháo và yếm chuẩn bị để cho con có thể ăn đây”.
“Mẹ đang kiểm tra xem bỉm của con cần thay hay chưa”.
Nói về chuyện sắp xảy ra, điều này đem lại cho trẻ khả năng hình dung về những gì sắp xảy ra.
“Sắp đến giờ ăn của con rồi nha”.
“Mẹ sẽ chuẩn bị nước cho con tắm đây”.
“Sau khi thay tã xong, mẹ con mình sẽ đọc sách nhé”.
Nói về chuyện vừa xảy ra, điều này đem lại cho trẻ cơ hội phát triển ký ức về những gì đã xảy ra.
“Hôm nay chúng ta vừa hát vừa vỗ tay trong xe hơi đấy”.
“Hôm nay con đã ăn quả táo trong bữa trưa”.
“Con vừa chào bố đấy. Bố đi làm rồi, còn hai mẹ con mình ở nhà”.
Đọc sách cho trẻ.
Đọc sách cho trẻ từ sơ sinh là bước đầu để chúng hiểu rằng sách có các câu chuyện, từ ngữ và thông tin. Bạn cần đọc chậm, to rõ ràng để trẻ có cơ hội nghe các từ phát âm thế nào và liên hệ với hình ảnh. Hãy nói về từng hình ảnh trong sách với trẻ. Ví dụ như “Đây là cái bàn. Đây là cây, cái cây có màu xanh…”.
Trải nghiệm đầu đời với sách có thể khởi đầu cho việc trẻ yêu thích đọc sách sau này.
Khi trẻ biết ngồi và cầm nắm, hãy dùng các quyển sách bìa cứng nhỏ vừa bàn tay mà trẻ có thể cầm hoặc sách vải cho trẻ nhỏ để chúng giở các trang sách dễ dàng hơn.
Hy vọng bạn tìm được một số điều hữu ích để phát triển ngôn ngữ cho con của mình ở giai đoạn đầu tiên và quan trọng của bé. Hãy tin rằng mỗi hành động nhỏ bạn làm cùng con hôm nay, mỗi câu chuyện vu vơ vụn vặt bạn kể cho con hàng ngày, đều có thể tạo tiền đề cho khả năng nói và giao tiếp sau này của con.
Hồng Thủy (Mẹ Cá)
Nguồn: https://allaboutyoungchildren.org/english/birth-to-8-months/
Lưu ý:
Bài viết được dịch và biên tập bám sát thông tin từ trang web allaboutyoungchildren (Bộ Giáo dục bang California, Mỹ). Các thông tin về cột mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ mà bạn đọc trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là nhận định mang tính chuyên môn y khoa về sự phát triển của trẻ.
--------------
Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.
Chân thành cảm ơn bạn!