top of page

Tổng hợp câu hỏi thường gặp về nuôi dạy trẻ song ngữ tháng 9/2024

Updated: Oct 11

Bài viết này tổng hợp những câu hỏi về phương pháp và những thách thức khi nuôi dạy con song ngữ mà các thành viên trong group Dạy Trẻ Song Ngữ đã gửi về trong tháng 9/2024 và câu trả lời chi tiết từ các admin. Cùng theo dõi để xem nhà bạn có đang gặp tình huống tương tự và cách khắc phục là gì, để từ đó bạn sẽ tự tin hơn, áp dụng đúng hơn khi cùng con khám phá thế giới song ngữ !


Câu hỏi số 1: Thắc mắc xoay quanh việc mẹ bắt đầu dùng tiếng Anh nhiều hơn với bé 4 tuổi.


Chào mọi người, mình là thành viên mới của cộng đồng DTSN. Mình có bé sắp được 4 tuổi, hiện tại mình mới bắt đầu song ngữ cùng bé tại nhà. Mình có 1 số thắc mắc như sau mong được mọi người giúp đỡ ạ:


- Bé mình ngôn ngữ Tiếng Việt đang phát triển rất tốt, bé hay thắc mắc, hay hỏi và mình cũng chịu khó giải thích nên bé biết rất nhiều. Nay mình nói Tiếng Anh thì khi giải thích bé sẽ không hiểu được hoặc hiểu được rất ít nội dung, vậy có ảnh hưởng gì không ạ?


- Tương tự câu trên, khi chọn sách Tiếng Anh để đọc cho bé, mình chọn ít chữ thì bé có chán không? Vì sách Tiếng Việt mình đọc nhiều chữ lắm, bé lại hiểu cốt truyện nên vẫn tập trung lắng nghe. Mình nên chọn sách Tiếng Anh như nào ạ?


- Mình đang cố gắng nói TA 100% với con nhưng do trình độ cũng còn giới hạn nên nhiều khi bí từ, nhưng rất muốn nói để con hiểu ( ví dụ giải thích 1 việc gì đó để con không khóc nữa,...) lúc ấy mình lại nói Tiếng Việt. Việc lâu lâu chèn câu Tiếng Việt như vậy có ảnh hưởng gì không ạ? Mình cảm ơn mọi người rất nhiều ạ!



Admin Hồng Thủy đáp: 


Chào mừng mẹ đến với cộng đồng Dạy trẻ song ngữ. Mình cũng có 1 bé được 4,5 tuổi, mình bắt đầu nói chuyện, đọc sách, cho con nghe nhạc bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt từ lúc mang bầu, mỗi giai đoạn thì lúc mình dùng Tiếng Việt nhiều hơn, rồi giai đoạn cần kích thích tiếng Anh thì mình dùng Tiếng Anh nhiều hơn. Chủ yếu là bé quen với cả 2 ngôn ngữ dùng trong nhà, lúc nào mẹ nói Tiếng Anh thì bé trả lời Tiếng Anh, lúc nào mẹ hay người khác hỏi con Tiếng Việt thì con trả lời Tiếng Việt. Vậy nên Tiếng Việt của bé nhà mình vẫn nhỉnh hơn Tiếng Anh. Và mình chấp nhận điều đó ở giai đoạn 0-6 tuổi. Vì vậy, mình cũng xin chia sẻ với mẹ về các băn khoăn hiện tại của mẹ:


Về việc mẹ dùng tiếng Anh giải thích các thắc mắc của bé hay muốn trò chuyện, khuyên nhủ bé: Có những chủ đề mà mình thấy giải thích bằng Tiếng Việt con sẽ hiểu hơn, mình cũng dễ bày tỏ với con hơn, hoặc có những tình huống mà buộc phải nói Tiếng Việt để có tác động ngay lúc đó, giải quyết vấn đề ngay lúc đó. Ví dụ: với tình huống nguy hiểm, lúc đó trong đầu không bật ra Tiếng Anh được, mà phải hành động ngay chẳng hạn, thì mình sẽ dùng tiếng Việt.


Mình chấp nhận mình không dùng 100% toàn thời gian bằng Tiếng Anh với con, mình chỉ dùng Tiếng Anh sao cho hiệu quả. Hiệu quả ở đây là vừa sức với con, không quá dễ nhưng không quá khó, thỉnh thoảng vẫn thêm từ mới, cách diễn mới (fixed expressions hay idioms trong Tiếng Anh), bên cạnh cách nói đơn giản hàng ngày. Vậy nên với những chủ đề gì cảm thấy quá khả năng hiểu của bé, quá nhiều từ mới, mà mình vẫn muốn nói với con bằng Tiếng Anh, thì phải lựa cách nói, cách trình bày sao cho dễ hiểu với bé. Chứ mẹ cố dùng Tiếng Anh mà nói dài và nói khó, lại không có gì để minh họa, bé không hiểu được thì cũng không đạt hiệu quả.


Về câu hỏi chọn sách truyện Tiếng Anh cho con sao cho phù hợp. Bé 4 tuổi vẫn nên bắt đầu từ những cuốn có ngôn từ đơn giản, mỗi trang là 1-2 câu thôi, và có sự lặp lại cấu trúc, để bé không cảm thấy bị khó, để bé theo được nội dung. Khi bé đã thích việc đọc truyện Tiếng Anh rồi, quen với việc không cần giải thích, dịch sang Tiếng Việt, mà chỉ nghe mẹ kể hoàn toàn bằng Tiếng Anh kết hợp nhìn tranh là hiểu nội dung câu chuyện, thì mình mới tăng dần sang các cuốn nhiều chữ hơn trên mỗi trang, nhưng vẫn phải là picture book mẹ nhé.


Việc chọn đúng kiểu sách có nội dung phù hợp với lứa tuổi và khả năng của bé rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bé có tiếp thu được và có thích thú với việc nghe đọc tiếng Anh không. Dạy Trẻ song ngữ có 1 khóa học hướng dẫn chi tiết việc chọn sách tiếng Anh cho con theo từng độ tuổi từ 0 tuổi đến 6 tuổi. Cũng trong khóa học sẽ kết hợp cả việc training cho ba mẹ cách đọc sách, cách tương tác, cách khai thác cuốn sách sao cho hay hơn, hiệu quả hơn. Ba mẹ có thể tìm hiểu và đăng ký tại đây.


Câu hỏi số 2: Bé 22 tháng đã tiếp xúc tiếng Việt và tiếng Anh song song, hiện bé nói Tiếng Việt chưa được nhiều và rõ ràng, Tiếng Anh cũng vậy.


Xin chào các mẹ ạ, bé nhà em được 22 tháng tuổi. Bé nói Tiếng Việt chưa được nhiều và rõ ràng, Tiếng Anh cũng vậy. Em có cho bé tiếp xúc với Tiếng Anh qua nghe nhạc trên tivi và loa, còn em nói Tiếng Việt với bé 100%.


Em có một câu hỏi mong được mọi người giải đáp: Em khá lo lắng về quá trình phát triển ngôn ngữ của bé. Giờ bé nói Tiếng Việt chưa rõ mà vẫn nghe, xem Tiếng Anh thì có ổn không. Em sợ bé sẽ bị thành ra nói Tiếng Anh không chuẩn và Tiếng Việt cũng không tốt luôn ạ! Em nên tập trung 100% Tiếng Việt cho bé, hay vẫn duy trì tương tác Tiếng Việt và nghe xem Tiếng Anh ạ? Cám ơn các mom!





Admin Hồng Thủy đáp: 


Chào mừng mẹ đến với cộng đồng Dạy trẻ song ngữ. Mình đọc thêm phần bình luận của mẹ thì hiểu hơn về nỗi băn khoăn của mẹ là mẹ đang lo lắng cho Tiếng Việt của con nhiều hơn. Mẹ lo rằng nếu tiếp tục cho bé nghe, xem Tiếng Anh hàng ngày thì có ảnh hưởng đến khả năng phát triển Tiếng Việt của con không, đúng không ạ?


Giờ mình quan tâm tới Tiếng Việt trước nha. Hiện tại, bé ở nhà với mẹ hay bé đang đi lớp? Trong nhà mình, ngoài mẹ thì có những ai cùng tham gia chăm sóc bé hàng ngày? Có ba, và ông bà hay ai không ạ? Sở dĩ mình hỏi thế để biết nguồn Tiếng Việt mà con tiếp xúc mỗi ngày từ những ai và từ đâu. Nếu con ở nhà với mẹ, và mẹ đang không sống cùng ông bà, bé cũng chưa đi lớp thì nguồn Tiếng Việt sống động mà con tiếp xúc mỗi ngày sẽ chỉ từ ba mẹ. Thêm 1 nguồn khác là từ chiếc tivi và loa. Nhưng nguồn từ loa và tivi thì không có tính tương tác, mình không gọi là nguồn input chính được, chỉ là bổ sung thêm thôi.


Mẹ nói Tiếng Việt với bé 100% như vậy là rất tốt. Nếu mẹ cảm thấy con chưa nói được nhiều Tiếng Việt ở độ tuổi 22 tháng, thì cụ thể bé có biểu hiện gì làm mẹ lo lắng không? Mẹ đã tham khảo cột mốc ngôn ngữ của bé 18-24 tháng chưa? Mẹ có thể tham khảo ở đây, tuy nhiên mẹ cũng nên lưu ý là các bé có sự phát triển khác nhau, và không phải bé không làm được các biểu hiện theo cột mốc chung thì có nghĩa là đáng lo. Cái này cần có sự thăm khám của chuyên gia, bác sĩ có chuyên môn.


Mình chỉ lưu ý là: mẹ đang cho con nghe tiếng Anh mà không nhìn màn hình, hay là có cho con nhìn tivi/điện thoại? Nếu con đã được xem màn hình, thì mẹ thường cho con xem bao lâu trong một lần, và tổng thời gian xem màn hình trong một ngày là bao lâu?


Việc trẻ ngồi xem nhiều trước màn hình ở độ tuổi này, dù là Tiếng Việt hay Tiếng Anh thì đều không tốt cho sự phát triển trí não, sự tập trung cũng như ngôn ngữ. “Không cho trẻ dưới 2 tuổi xem màn hình” là khuyến cáo ở các chuyên gia ở Mỹ. Ở Việt Nam thì không có khuyến cáo rõ ràng, nhưng càng giới thiệu màn hình với con càng muộn trong độ tuổi 0-6 thì càng tốt.


Giờ mình chuyển qua tiếng Anh. Khi mẹ đã có niềm tin là tiếng Anh có thể học sau và trẻ vẫn tiếp thu tốt, thì mẹ cứ tập trung trò chuyện, đọc sách, chơi đùa, tương tác để phát triển Tiếng Việt cho con trước. Bởi vì việc cho bé nghe Tiếng Anh qua loa mà không có bất cứ một sự tương tác, dẫn dắt nào trong thực tế hàng ngày, thì nguồn nghe Tiếng Anh đó cũng không tác động nhiều với bé đâu. Bé không thể hiểu những gì đang nghe, Bé chỉ đang nhại lại, bắt chước theo giai điệu bài hát, chứ chưa sử dụng được trong giao tiếp theo phản xạ tự nhiên. Vậy nên trừ khi mẹ có đủ thời gian và kỹ năng để tương tác với con bằng 2 ngôn ngữ, để phân chia thời gian, lúc dùng Tiếng Anh 100%, lúc dùng Tiếng Việt 100% với con, để ngôn ngữ nào con cũng có sự tương tác, còn không thì mẹ cứ kiên định chỉ dùng tiếng Việt thôi.


Mẹ bé bổ sung: Bé sống cùng cả với ông bà và bé cũng đã đến lớp. Em cũng có cho bé xem tivi tầm 1h/mỗi ngày chỉ xem nội dung Tiếng Anh + nghe loa Tiếng Anh 4-6 tiếng/1 ngày. Em thấy với các bài hát Tiếng Anh bé nghe quen thì bé có thể múa hát theo. Thi thoảng khi em giao tiếp Tiếng Anh đơn giản với bé thì bé cũng có hiểu phản ứng lại. Em cũng có tìm hiểu về việc song ngữ cho con và phương pháp của em là tương tác gần như 100% Tiếng Việt trước, Tiếng Anh ở mức nghe xem và tương tác ít hơn. Tuy nhiên thì khi hiện tại bé 22 tháng, bé chỉ nói được 1 ít từ đơn Tiếng Việt, còn lại bé hát không rõ lời. Đó là điều em băn khoăn, là em đang làm sai không, và sai ở chỗ nào ạ?


Admin Hồng Thủy trả lời: 


Có lẽ thời gian bé đang nghe Tiếng Anh qua loa nếu là 4-6 tiếng thì hơi nhiều, vậy trong 4-6 tiếng đó là bé chơi tự do, hay sinh hoạt với mọi người trong gia đình? kiểu như mẹ cứ mở loa, còn bé sẽ ăn, tắm, chơi ... có phải không? Nếu mà bên tai là tiếng nhạc Tiếng Anh, còn mọi người trong nhà lại trò chuyện Tiếng Việt với bé lúc đó, thì mình nghĩ là không nên mở nhạc Tiếng Anh lúc đó nữa. Để việc tương tác Tiếng Việt diễn ra tập trung hơn, thì mới hiệu quả cho việc phát triển tiếng Việt.


Ngoài ra để kích thích bé nói Tiếng Việt thì ngoài việc sinh hoạt hàng ngày dùng Tiếng Việt, mình thử đọc thêm cho con thơ, hò vè, bài hát ca dao, các cuốn sách kiểu thơ đơn giản, để bé tập nói vuốt đuôi (hoàn thành từ cuối của câu thơ). Đây cũng là cách để bé chịu nói Tiếng Việt hơn. Vì bé đã đi học cả ngày, nên thời gian buổi tối trước khi đi ngủ 2 mẹ con thủ thỉ đọc sách thơ, tương tác lúc đó chất lượng hơn.


Ngoài ra, nếu bé vẫn hiểu hết mọi điều mà cả nhà nói hàng ngày bằng Tiếng Việt, vẫn phản hồi bằng cử chỉ hành động, thì mẹ đừng lo quá. Con mới 22 tháng, vẫn đang trong quá trình nghe, quan sát và nạp vào, con chỉ chưa muốn nói ra thôi.


Việc dạy trẻ song song 2 ngôn ngữ không phải là một việc đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn và khả năng quan sát, đánh giá từ phụ huynh để hiểu về con. Nếu bạn có thắc mắc, đừng ngần ngại gửi câu hỏi lên group, đọi ngũ admin và các mẹ có kinh nghiệm trong group sẵn sàng hỗ trợ mẹ nhé.


Kết lại:

Với kinh nghiệm 10 năm kèm tiếng Anh cho trẻ nhỏ, gần 5 năm nuôi con song ngữ và 2 năm tư vấn cho phụ huynh, mình đã hỗ trợ thành công rất nhiều trường hợp khi cha mẹ gặp khó khăn trong quá trình phát triển tiếng Anh cho con ở giai đoạn 0-5 tuổi. Nếu cha mẹ muốn có người kèm cặp, nhận tư vấn hàng tuần trong 6 tháng, để giúp cha mẹ có lộ trình, có phương pháp và chuẩn bị sẵn cho mẹ các tài liệu học, tài liệu nghe - xem phù hợp cho con, thì hãy đăng ký chương trình “Becoming a blingual mom” của DTSN nhé. Học phí đang được ưu đãi giảm 30% trong năm 2024, chỉ còn 8,4 triệu cho 6 tháng. Mời phụ huynh tham khảo thông tin và đăng ký tại đây.




56 views0 comments
bottom of page