Không giống như thanh thiếu niên và người lớn, trẻ nhỏ dưới 6 tuổi học ngôn ngữ một cách tự nhiên và vô thức. Trẻ có khả năng bắt chước cách phát âm và tự tìm ra các quy tắc nói. Thậm chí, chúng không hề nghĩ rằng việc học ngoại ngữ (tiếng Anh) là khó khăn như nhiều người lớn vẫn nghĩ. Đây chính là một lợi thế khiến trẻ nói thoải mái và không sợ sai.
Các giai đoạn học ngoại ngữ ở trẻ nhỏ
Có 3 giai đoạn mà trẻ nhỏ thường trải qua khi học một ngôn ngữ mới. Cần lưu ý đây là một quá trình phát triển bình thường. Hiểu được điều này sẽ giúp cha mẹ không lo lắng, sốt ruột (rằng sao con mình chưa nói được sau một thời gian học) và chấp nhận để các giai đoạn diễn ra tự nhiên, và tìm cách hỗ trợ con một cách tích cực.
Giai đoạn 1 - khi mới học: Thời kỳ im lặng
Khi một em bé học tiếng mẹ đẻ có một “thời kỳ im lặng”. Đó là khi trẻ chỉ nhìn, nghe và giao tiếp qua nét mặt hoặc cử chỉ trước khi bắt đầu nói thành tiếng. Tương tự, có thể có một “thời kỳ im lặng” khi trẻ học ngôn ngữ thứ hai (ở đây là tiếng Anh).
Trong thời gian này, cha mẹ không nên cố bắt trẻ lặp lại các từ hoặc lời nói của mình. Nếu trẻ hiểu nhưng không nói ra, hãy cứ để những cuộc nói chuyện bằng lời chỉ diễn ra một chiều từ cha mẹ. Cha mẹ đừng lo lắng sao con hiểu hết mà không nói. Miễn là bạn luôn dành thời gian nói chuyện, tương tác, chơi đùa cùng con chứ đừng giao con cho một chiếc màn hình để học ngoại ngữ thì việc trẻ chưa nói ra bằng tiếng Anh không có gì đáng lo. Đến khi trẻ nghe đủ nhiều, có đủ vốn từ, cảm thấy thoải mái thì trẻ sẽ bật ra.
Ảnh: edit on Canva
Thời kỳ im lặng này có thể khác nhau ở từng trẻ tùy theo độ tuổi và cá tính. Với các trẻ nhỏ 1 - 3 tuổi, có trẻ sẽ cần một vài tuần, cũng có trẻ cần vài tháng làm quen ngôn ngữ mới rồi bắt đầu nói từ tiếng Anh đầu tiên.
Cũng có trẻ có thể bỏ qua thời kỳ im lặng này. Tức là cha mẹ hoặc giáo viên nói gì, trẻ cũng bắt chước nói theo ngay lập tức. Thường là trẻ đã lớn trên 2 tuổi, khi đã nói tiếng mẹ đẻ tốt và thích thú với tiếng Anh thì trẻ có thể thích nói mọi từ bằng tiếng Anh mà trẻ được dạy.
Đây là trải nghiệm mà các mẹ trong khóa học Dạy con song ngữ kể lại cho mẹ Cá. Rằng các bé tầm trên 3 tuổi khi bắt đầu học tiếng Anh mà được giới thiệu bằng cách vui vẻ, hào hứng thì thường liên tục hỏi mẹ từ này tiếng Anh nói thế nào. Tuy nhiên, các bé vẫn ở giai đoạn học ngôn ngữ qua bắt chước, chứ chưa vận dụng linh hoạt vào tình huống thực. Nên cha mẹ cần kiên trì lặp lại hàng ngày.
Giai đoạn 2 - học được một thời gian: Bắt đầu nói từ đơn lẻ
Sau một thời gian, tùy thuộc vào tần suất tiếp xúc tiếng Anh, trẻ sẽ bắt đầu tự bật ra nói các từ đơn như “cat”, “house” “red” khi nhìn hình hay vật thật ngoài đời, hoặc khi được hỏi. Trẻ có thể ghi nhớ, bắt chước và phát âm đúng từng từ nhưng chưa nói được cả câu. Thông thường, bé gái thường bắt đầu nhanh hơn bé trai ở thời gian này.
Giai đoạn “chỉ nói được từ đơn” này kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc mỗi ngày trẻ được ở trong môi trường tiếng Anh bao lâu và chất lượng như thế nào. Khi trẻ tiếp thu nhiều vốn từ hơn và được tạo điều kiện thực hành lặp lại trong những đoạn hội thoại ngắn thì trẻ có thể tự nói những cụm từ, câu của riêng mình một cách dài hơn.
Ảnh: edit on Canva
Giai đoạn này trẻ cũng có thể trải qua sự thất vọng. Có thể sau những hào hứng ban đầu khi một ngôn ngữ mới, một số trẻ sẽ thất vọng khi không thể diễn đạt suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh như tiếng Việt. Bởi trẻ muốn nói tiếng Anh nhanh như tiếng mẹ đẻ. Có thể khắc phục điều này bằng cách cho trẻ “trình diễn” các bài hát ngắn, lặp lại các câu nói với các cụm từ có sẵn.
Giai đoạn 3 - Trở thành thói quen và phản xạ nói dài, nói đầy đủ
Dần dần, trẻ có thể xây dựng các cụm từ và đặt câu linh hoạt chứ không còn máy móc, rập khuôn như hai giai đoạn trước.
Ví dụ như “I see a bird”, “This is a brown and black dog”... hoặc tự nói những câu như “That’s my chair”, “Time to play”, “I want to eat ice cream”. Tùy vào tần suất tiếp xúc với tiếng Anh và chất lượng trải nghiệm có sự tương tác người với người, mà trẻ bắt đầu tạo ra các câu dài hoàn chỉnh.
Ở giai đoạn này, để thúc đẩy trẻ nói câu dài hoàn chỉnh, cha mẹ cần làm gương khi nói chuyện với trẻ. Bạn nên sử dụng câu hoàn chỉnh thay vì câu ngắn hay trả lời bằng một từ. Bên cạnh đó là tiếp tục kết hợp cho trẻ nghe, đọc các đoạn hội thoại và áp dụng vào đời sống.
Đọc thêm:
Môi trường học ngôn ngữ lý tưởng cho trẻ
Trẻ nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp thu tiếng Anh nếu chúng không có những trải nghiệm thực tế liên quan những gì đã học. Một môi trường học tiếng Anh tốt cho trẻ cần thỏa các điều kiện:
Trẻ cảm thấy an toàn và hiểu được một số lý do rõ ràng để sử dụng tiếng Anh (thông qua các hoạt động lặp đi lặp lại với sự vui vẻ).
Các hoạt động học tiếng Anh được liên kết, ứng dụng một cách thú vị với các hoạt động hàng ngày. Đó là lý do các giờ sinh hoạt của trẻ như: khi ăn, khi tắm, khi vẽ, cắt dán, chơi đồ hàng, khi đi dạo … nếu sử dụng tiếng Anh sẽ thực tế hơn là trẻ chỉ học qua sách các hoạt động đó.
Trẻ được cha mẹ khích lệ, khen ngợi thường xuyên trong quá trình trẻ học nói. Cha mẹ cần thể hiện rằng mình luôn quan sát và để ý đến từng chi tiết nhỏ thể hiện sự tiến bộ trong cách sử dụng ngôn ngữ của con. (Ví dụ: Nếu thường ngày con chỉ nói “dog” nhưng hôm nay con nói được cả câu “It’s a dog”, cha mẹ hãy khen con “I see today you can say “It’s a dog”. Good job!” (Hôm nay mẹ đã thấy con nói được cả câu ‘Đây là con chó”. Con nói tốt lắm!”)
Các khung giờ dùng tiếng Anh nên tập trung vào những thứ mà trẻ đã hiểu bằng tiếng mẹ đẻ. Bằng cách này, trẻ không phải học một khái niệm mới bằng một ngôn ngữ mới, mà chỉ đơn thuần là học tiếng Anh để nói về điều mà trẻ đã biết.
Ví dụ: khi dạy con về các phương tiện giao thông, hãy tập trung miêu tả những loại xe quen thuộc như: xe đạp, xe máy, ô tô … thay vì cố gắng nói và muốn con nhớ những phương tiện mà con không gặp ngoài đời hay không biết về nó: như tàu ngầm, tên lửa …
Ảnh: edit on Canva
Final thought:
Trong hành trình trẻ học một ngôn ngữ mới, sự hỗ trợ từ cha mẹ là điều tiên quyết. Cha mẹ không chỉ tạo môi trường thuận lợi và dạy con, mà còn nhận một nhiệm vụ cao cả quan trọng hơn. Đó là động viên và khuyến khích trẻ trong quá trình con học tập. Vì thế, ngay cả khi bạn chỉ có trình độ tiếng Anh cơ bản và đang phấn đấu học cùng trẻ từng ngày, hãy cứ tiếp tục. Bởi vì, trẻ cần cảm thấy rằng chúng đang tiến bộ và được ghi nhận. Việc khuyến khích, khen ngợi con là chìa khóa vàng để thúc đẩy tiến trình tiếp cận tiếng Anh hay bất cứ môn học nào của trẻ.
----------------
Bạn thân mến, khi chia sẻ nội dung bài viết này, mong bạn dùng nút share hoặc copy đường link dẫn bài viết để bảo vệ công sức của tác giả.
Chân thành cảm ơn bạn!